Bấm vào hình để xem kích thước thật

Đêm ngủ bé hay lăn lộn , có phải do thiếu vitamin D không ?

Ngày đăng:  16/09/2011

 
Lượt xem: 460078

Câu hỏi:

Chào bác sĩ, nhóc nhà em vừa tròn 6 tháng tuổi. Khoảng 1 tháng trở lại đây đêm bé ngủ lăn lộn rất nhiều, mắt thì nhắm tịt  nhưng người hay nghiêng qua 1 bên, 2 chân giơ lên rồi thả xuống nệm đùng đùng. Em thường xuyên điều chỉnh lại vị trí và tư thế ngủ cho bé nhưng cũng chỉ được 1 lúc là bé lại lăn lộn. Thời gian bé ngủ bình thường từ 6 giờ chiều đến 3 – 4 giờ sáng, dậy ăn xong lại ngủ tiếp đến 6 – 6h30 sáng. Giờ bé đã mọc được 2 cái răng và đang sưng nướu thêm 2 cái nữa. Em rất lo lắng không biết bé có thị thiếu vitamin D hay 1 bệnh gì đó hay không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn. Ngọc Hương

Trả lời:

Chị Ngọc Hương thân mến!

Trẻ em từ lúc sinh ra hầu như tất cả các bộ phận cơ quan nói chung và não bộ nói riêng đã hình thành nhưng cần thời gian phát triển và trưởng thành. Não bộ hay hệ thần kinh trung ương là cơ quan có nhiều chức năng phức tạp nhất sẽ tiếp tục phát triển về chức năng, giải phẫu, tâm sinh lý và trưởng thành tương đối hoàn chỉnh lúc trẻ 6 tuổi. Từ lúc bào thai cho đến khi trưởng thành não bộ chịu rất nhiều tác động: tình trạng dinh dưỡng, bệnh tật, yếu tố di truyền và môi trường bên ngoài.

Một trong những chức năng phức tạp nhất của não bộ là điều khiển tình trạng thức ngủ của em bé. Trong giấc ngủ vỏ não phải ức chế tất cả các hoạt động của bộ phận não liên quan đến vận động ý thức, trong khi các vùng não điều khiển vận động vô thức (hệ thần kinh thực vật) vẫn làm việc bình thường như: nhịp tim, nhịp thở, nhu động ruột, nhu động hệ niệu…đây là công việc rất khó khăn ở trẻ khi não chưa trưởng thành. Trong giấc ngủ của trẻ một số vùng vận động ý thức không bị ức chế hoàn toàn nên trẻ vẫn có thể vận động chân tay hoặc biểu hiện cảm xúc (cười, khóc…), có nhiều yếu tố làm gia tăng tình trạng này:

-          Yếu tố cảm xúc lúc bé thức còn ảnh hưởng trong giấc ngủ (kích thích, ức chế, quấy khóc…)

-          Yếu tố thể chất (vận động, hoạt động nhiều hơn bình thường)

-          Tình trạng bệnh lý (quấy, sốt, đau đớn, khó chịu…)

-          Yếu tố vi lượng ảnh hưởng đến hoạt động của thần kinh nhạy cảm hơn (thiếu canxi, magne, photpho..)

-          Những kích thích sinh lý (mắc tiểu, mắc cầu, nhu động ruột)

Trường hợp con chị 6 tháng tuổi khi ngủ đã nhắm mắt nhưng “tay chân còn vận động làm bé lăn lộn, nghiêng qua bên phải, tay chân đập xuống nệm” là do não chưa trưởng thành và giấc ngủ chưa sâu. Một số yếu tố gây nên tình trạng này:

-          Bé đã biết lật, tay chân cử động mạnh hơn trước, bé vận động nhiều hơn trong ngày nên sẽ có những biểu hiện tương tự trong giấc ngủ.

-          Giao tiếp cộng đồng tốt hơn, sẽ có những tác động về tâm lý, cảm xúc (vui, buồn, lo lắng, sợ hãi...)

-          Thay đổi chế độ ăn ảnh hưởng đến tiêu hóa, ảnh hưởng đến tâm lý (thức ăn lạ, tập ăn, bị ép ăn...)

-          Đang tuổi mọc răng, bổ sung một số chất vi khoáng không đầy đủ hoặc phơi nắng không hiệu quả bé sẽ thiếu canxi, magne, photpho)

Các nguyên nhân kể trên không nguy hiểm và không liên quan đến bệnh lý, trẻ sẽ tự hết sau 6 tuổi. Thân chào chị!

Trả lời bởi: BS.Phạm Mai Đằng - Phó khoa TELM

[Trở về]

Các tin khác