Bấm vào hình để xem kích thước thật

10 sự kiện nổi bật của Bệnh viện Nhi đồng 2 trong năm 2018

Ngày đăng:  31/12/2018

 
Lượt xem: 7950

Năm 2018 khép lại với nhiều sự kiện, dấu ấn đáng nhớ từ sự nỗ lực không ngừng của tập thể y bác sĩ và nhân viên bệnh viện Nhi đồng 2 nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhi.  Chúng ta hãy cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của bệnh viện Nhi đồng 2 trong năm 2018:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 1. Trang Fanpage bệnh viện Nhi đồng 2 chính thức hoạt động

Nhằm cung cấp các thông tin về hoạt động khám chữa bệnh, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe...  một cách nhanh chóng và hiệu quả, bệnh viện Nhi đồng 2 đã đưa vào hoạt động chính thức trang Fanpage Bệnh viện Nhi đồng 2 tại địa chỉ: www.facebook.com/bvnd2/  Đây cũng là là trang Fanpage duy nhất của bệnh viện Nhi đồng 2.

 

      

 

 

2. Kỷ niệm 40 năm thành lập & phát triển bệnh viện

Ngày 31/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và phát triển bệnh viện (01/6/1978 – 01/6/2018). 

Tại buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Bệnh viện Nhi Đồng 2, các vị đại biểu đã cùng nhau ôn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển. Trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, nhưng cũng gặt hái được nhiều thành tựu, ghi được dấu ấn với nhân dân trong khu vực TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung…

 

 

🌐 http://benhviennhi.org.vn/news/detail/5043/le-ky-niem-40-nam-thanh-lap--phat-trien-benh-vien-nhi-dong-2.html

 

 

3. Cứu sống thành công bệnh nhi 4 tuổi rơi từ lầu 7

Khuya ngày 26/6, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận một bé gái 4 tuổi bị tai nạn té từ lầu 7 chung cư rơi xuống đất. Bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, chảy rất nhiều máu, gẫy tay, có vết thương hở ở chân, bụng trướng, tri giác không ổn định.

Theo gia đình cho biết, bé được mẹ tắm, sau đó người mẹ để bé chơi một mình và quay vào tắm cho bé lớn. Người mẹ quay ra nhưng không thấy con, chị nghĩ bé sang nhà hàng xóm chơi nên không đi tìm. Ngay sau đó chị nghe tiếng kêu cứu của mọi người dưới sân chung cư. Chị vội từ lầu 7 chạy xuống thì chết lặng khi thấy con nằm nghiêng bất động, vết thương ở chân tay lộ xương, máu chảy lênh láng

Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhi đã bình phục rất tốt.       

🌐 http://benhviennhi.org.vn/news/detail/5081/cuu-song-thanh-cong-be-gai-4-tuoi-roi-tu-lau-7-.html

 

 

4. Điều trị thành công trường hợp rò đường mật – khí quản hiếm gặp lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam

Đây là trường hợp rò đường mật - khí quản đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam và y văn thế giới chỉ mới ghi nhận được khoảng dưới 40 trường hợp mắc bệnh lý này

Theo đó, bệnh nhi sinh ngày 19/4/2018, tại Gia Lai. Sau sinh bé bị vàng da, viêm phổi, nằm điều trị hơn 2 tuần tại một bệnh viện tại địa phương. Thấy bé vẫn ho nhiều, có lúc sặc tím, nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2.  Tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 2, bé có biểu hiện ho và viêm phổi, có lần ói dịch vàng. Sau thời gian được điều trị tại Khoa Hô hấp 2, tình trạng viêm phổi có thuyên giảm nhưng bé vẫn ho, có lúc thành cơn nặng tiếng. Xét nghiệm đặc hiệu cho thấy bé dị ứng với đạm sữa bò. Các bác sĩ đã điều trị chứng “Viêm phổi hít, nghi do trào ngược dạ dày - thực quản, trên trẻ dị ứng đạm sữa bò” cho bé. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhi bị viêm phổi nhiễm trùng bội nhiễm, suy hô hấp tăng; ho ngày càng nhiều, từng cơn nặng nề.

Các BS đã tiến hành chụp CT scan ngực, nội soi phế quản, chụp X – quang phát hiện bệnh nhi có đường rò đường mật – khí quản trên phim CT, có lỗ rò từ carina (nơi khí quản chia đôi vào phế quản trái và phải), đường rò đi từ khí quản vào đường mật, túi mật và tá tràng. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các BS quyết định phẫu thuật cho BN.

Trong quá trình phẫu thuật quan sát trực tiếp các bác sĩ thấy có đường rò dài từ gốc carina đi xuyên qua cơ hoành, nằm cạnh trục thực quản, mạch máu, thần kinh vùng ngực.

Cuộc phẫu thuật diễn ra khẩn trương và tỉ mỉ để tránh làm tổn thương hệ thống mạch máu, thần kinh cạnh bên; tránh tình trạng thiếu oxy não cho bệnh nhi.

Sau gần 3 tuần phẫu thuật, bé đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

🌐http://benhviennhi.org.vn/news/detail/5127/Dieu-tri-thanh-cong-truong-hop-ro-duong-mat---khi-quan-hiem-gap--lan-dau-tien-phat-hien-tai-viet-nam.html

 

 

5. Cứu sống trẻ sơ sinh bị ngạt bằng phương pháp làm lạnh

Bệnh nhi (con bà N. T. T) sinh ngạt do quá trình chuyển dạ và sinh của người mẹ được cứu sống nhờ phương pháp “làm lạnh” hạ thân nhiệt. Đây là phương pháp giảm chuyển hóa não giúp não tổn thương phục hồi. Với phương pháp này, trẻ sẽ được làm mát vùng đầu, khi nào nhiệt độ trung tâm (hậu môn) xuống ngưỡng ở nhiệt độ 33,5 độ C và duy trì trong khoảng 72 giờ sau đó làm ấm cơ thể lại dần dần.

Đây là trường hợp đầu tiên tại bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện và đã thành công.

 

 

   

🌐 http://benhviennhi.org.vn/news/detail/5139/cuu-song-tre-so-sinh-bi-ngat-nho-phuong-phap-lam-lanh.html

 

 

6. Phẫu thuật thành công cho bé gái mang khối u gan ác tính hiếm gặp trong y văn thế giới

Bé N.H.M.D (2 tuổi) đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng bụng lớn nhanh. Qua chụp CT vùng bụng cho thấy một khối u rất lớn chiếm gần lá gan. Kết quả sinh thiết khối u cho thấy đây là u ác tính sarcoma mạch máu - một loại u ác tính và rất nguy hiểm cho trẻ em. Hiện, y văn thế giới hiện chỉ ghi nhận khoảng 50 trường hợp được công bố.

Các Bác sĩ điều trị cho bé đã tính đến phương án ghép gan thay vì hóa trị vì khối u quá lớn, không thể cắt bỏ. Song, sau 9 tuần hóa trị, khối u có biểu hiện nhỏ lại.

Theo BS Nguyễn Trần Việt Tánh, khoa Ngoại tổng hợp, mặc dù trên hình ảnh, khối u vẫn còn dấu hiệu chèn ép nhiều vào cả hai nhánh tĩnh mạch cửa của gan nhưng ê-kíp điều trị vẫn quyết định phẫu thuật. Các BS tính tới phương án tạo hình tĩnh mạch cửa mới bằng mảnh ghép cho bé vì lo sợ hóa trị tiếp sẽ đánh mất cơ hội phẫu thuật. Sau 3 tiếng, ê-kíp phẫu thuật cắt gan trái mở rộng, lấy trọn toàn bộ khối u kèm đường mật bị u xâm lấn, bảo tồn được nhánh tĩnh mạch cửa nuôi phần gan còn lại mà không làm vỡ u. 7 ngày sau mổ, BN hồi phục nhanh chóng và đã xuất viện.

🌐 post855776.html?fbclid=IwAR38H5iFVD5RNQgiY5nq_9DHtMlBvmfqwjDUuUXiq5qAOWxPkeiM9TInfCU

 

 

7. Lần đầu tiên can thiệp nội mạch không cần gây mê bệnh nhân

Bệnh nhân là bé gái 15 tuổi, ngụ tại Q.9 bị phình mạch máu não đã được điều trị thành công bằng phương pháp can thiệp nội mạch.

Hơn 1 năm trước, em bị đau đầu dữ dội, qua khảo sát hình ảnh ghi nhận phình mạch khổng lồ của 2 động mạch đốt sống ngay tại vị trí hợp lưu tạo thành động mạch thân nền. Đây là vị trí cực kì nguy hiểm và nhạy cảm, cung cấp máu cho vùng thân não- khu vực chỉ huy cao cấp của não bộ. Sau bao đắn đo, nhiều lần hội chẩn, bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch, đặt 1 stent chuyển dòng ở động mạch đốt sống bên phải, để đảm bảo duy trì dòng máu lưu thông cho vị trí này và đồng thời, dùng coil (vòng xoắn kim loại) để tắc động mạch đốt sống trái đoạn có túi phình, ngăn ngừa túi phình vỡ, gây xuất huyết nguy hiểm.

Kết quả khi ấy hoàn toàn mỹ mãn, cả về mặt lâm sàng và hình ảnh học, túi phình gần như được tắc hoàn toàn, máu lưu thông tốt và bệnh nhân không có biến chứng gì.

Hơn 1 năm sau xuất viện, sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng trong lần khám sức khỏe, kết quả hình ảnh học cho thấy túi phình ngày xưa chẳng thể lành được, mà ngày càng lớn hơn, chèn ép vào thân não, và chỉ chực chờ vỡ ra. Sau khi giải thích tường tận cho gia đình, những rủi ro có thể xảy ra, thậm chí có thể đe dọa tính mạng, hoặc sống thực vật, gia đình quyết định đồng ý sẽ tiếp tục điều trị, vẫn mang hy vọng như ngày trước, và cũng bởi vì chỉ có điều trị tiếp mới có hy vọng, mới có cơ hội cho cháu, chứ túi phình ấy vỡ ra thì có lẽ chẳng thể nào cứu được.

Ngày tiến hành can thiệp, Ekip quyết định sẽ tiến hành mọi can thiệp trong khi bé vẫn tỉnh táo, chỉ gây tê tại chỗ vị trí bẹn 2 bên, vị trí đặt ống thông vào động mạch đùi. Sau đó, luồn ông thông chọn lọc vào động mạch đốt sống bên phải, rồi bơm bóng để ngăn luồn máu chảy lên túi phình, đồng thời chặn luôn dòng máu lên thân não.

Tiếp theo đó, lại luồn ống thông chọn lọc từng động mạch cảnh trong bên phải, rồi bên trái để kiểm ra sự thông nối từ tuần hoàn não trước vào tuần hoàn não sau qua các động mạch thông sau. Sau khi bơm thuốc cản quang, cây mạch máu não hiện ra, mạch máu từ tuần hoàn phía trước len lỏi xuống tuần hoàn phía sau, tới tận vị trí túi phình, là niềm vui mừng của ekip, đúng với ý định ban đầu. Và trong thời gian ấy, bệnh nhân cũng không có triệu chứng gì, vẫn trả lời và thực hiện theo y lệnh được.

Ekip tiến hành hội chẩn lại lần nữa, và quyết định đặt Coil để tắc hoàn toàn động mạch đốt sống bên phải đoạn mang túi phình ấy. Lần lượt từng coil được đưa vào để lấp túi phình, với tổng cộng 6 coil, và trong hơn 1h thực hiện. Kết thúc qua trình can thiệp, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, vẫn cử động, nói chuyện được, cả ekip mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau hơn 1 tuần theo dõi, bệnh nhân phục hồi tốt, không yếu liệt tay chân. Đây là lần đầu tiên một bệnh nhi được can thiệp mạch máu khi hoàn toàn tỉnh táo.

🌐https://baomoi.com/lan-dau-tien-can-thiep-noi-mach-khong-can-gay-me-benh-nhan-15-tuoi/c/27204591.epi?fbclid=IwAR1pp4W6BSlifNuFuKZibJoOl-Jh4kaFDAYkdwx5Cn3ZDCJiyp2VGfgsZ2U

 

 

8. Hội nghị Nhi khoa Việt – Pháp lần VII & ký kết hợp tác giữa bệnh viện Nhi đồng 2 và Viện trường CHU Grenoble

Tại hội nghị Nhi khoa Việt – Pháp lần VII (diễn ra vào 02 ngày 18 & 19/12/2018) nhằm phát triển quan hệ hợp tác về y khoa giữa Viêt Nam và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế về những tiến bộ trong lĩnh vực y khoa.

Sau nhiều năm gián đoạn, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã kết nối lại quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi huấn luyện đào tạo với các Viện Trường của Pháp tại Paris, Grenoble, Necker đồng thời tái tổ chức hội nghị thường niên, mà cụ thể là Hội nghị Nhi khoa Pháp Việt - lần thứ 7 nhằm mang lại nhiều kiến thức mới hữu ích cho các bác sĩ đồng nghiệp.

 

 

🌐 http://benhviennhi.org.vn/news/detail/5258/hoi-nghi-nhi-khoa-viet---phap-lan-vii-.html

 

 

9. Lễ ký kết hợp tác triển khai đề án thực hiện mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo

Ngày 16/10, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác triển khai đề án thực hiện mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo giữa Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhi đồng 2 và bệnh viện Thống nhất.

Nội dung ký kết nhấn mạnh, các bệnh nhi cần ghép tạng là đối tượng được ưu tiên đầu tiên mỗi khi có nguồn tạng hiến từ người cho chết não và người tim ngừng đập dưới sự hỗ trợ của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia. Đây được xem là hy vọng bổ sung thêm nguồn tạng hiến cho trẻ em trong bối cảnh pháp luật Việt Nam vẫn quy định không được lấy tạng từ trẻ em, kể cả trẻ đã chết não, tim ngừng đập.

 

 

🌐 http://benhviennhi.org.vn/news/detail/5185/le-ky-ket-hop-tac-trien-khai-de-an-thuc-hien-mang-luoi-dieu-phoi-lien-vien-ve-hien-va-ghep-than-nhan-dao.html

 

 

10. Bệnh nhi đầu tiên được ghép Thận từ người cho chết não

Ngày 12/12, bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiến hành ca ghép thận xuyên Việt đầu tiên trên trẻ em từ người cho chết não thành công tốt đẹp, đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong công tác ghép tạng nhi tại bệnh viện.

Theo đó, thận của một người đàn ông, 43 tuổi từ Hà Nội đã được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để ghép cho một nam sinh lớp 10, ngụ tại Lâm Đồng. Sau 12 ngày ghép, cậu học sinh học lớp 10 đã nở nụ cười hạnh phúc vì được trở về cuộc sống bình thường, được đến trường học tập như bao bạn bè khác. Đây cũng là bệnh nhi đầu tiên được ghép thận từ người chết não hiến tặng.

 

 

  🌐 http://benhviennhi.org.vn/news/detail/5264/benh-nhi-dau-tien-duoc-ghep-than-tu-nguoi-hien-chet-nao.html

🌐 https://baomoi.com/ca-ghep-than-xuyen-viet-lan-dau-tien-o-tre-em-tu-nguoi-hien-chet-nao/c/29109896.epihttps://baomoi.com/ca-ghep-than-xuyen-viet-lan-dau-tien-o-tre-em-tu-nguoi-hien-chet-nao/c/29109896.epi

 

 

 

 

 

Đăng bởi: Hân Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác