Quyết định táo bạo của người mẹ trong ca ghép thận nhi đầu tiên 15 năm trước
Ngày đăng: 13/10/2019
Lượt xem: 6140
15 năm trước, ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện, mang lại sự sống cho bé gái 12 tuổi. Đến nay, ngành ghép tạng nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ, cả nước có 19 cơ sở thực hiện được 3.378 ca ghép.
Để có được những thành quả như ngày hôm nay, ít ai biết rằng các bác sĩ và cả những người dân đã vượt qua bao khó khăn, rào cản. Một người mẹ dũng cảm đồng ý ký đơn cho con ghép thận đầu tiên ở Việt Nam, một người mẹ hiến tạng cho con rồi bị người đời ghẻ lạnh là bán tạng con hay vị giáo sư - 1 trong những người đặt nền móng đầu tiên cho ngành ghép tạng vẫn còn rất nhiều trăn trở...
Tháng 6 năm 2004, cách đây 15 năm, Nguyễn Huỳnh Nhật Trúc, lúc đó 12 tuổi bị suy thận mạn giai đoạn cuối được ê-kíp bác sĩ Nhi Đồng 2 TP.HCM ghép thận từ thận người mẹ hiến tặng. Đây là bệnh nhi được ghép thận đầu tiên ở Việt Nam.
Sau 15 năm, Nhật Trúc giờ trở thành cô gái khỏe mạnh, hoàn thành chương trình học phổ thông, học thêm nghề thiết kế thời trang. Cuộc sống của chị bây giờ là cả bầu trời niềm vui, lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười vì đã đi qua một câu chuyện cổ tích giữa đời thực.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh (55 tuổi, Gia Lai) mẹ bệnh nhi Nhật Trúc, nhớ như in hành trình gùi con từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn suốt 7 năm ròng chữa bệnh. Sau từng ấy năm đến giờ bà vẫn có thể kể răm rắp tên từng cô y tá, điều dưỡng, bác sĩ của BV Nhi đồng 2, những người bà chịu ơn trong những ngày gian khổ trường kì cùng con ở viện.
“Vợ chồng tôi làm nghề giáo nghèo, đẻ được hai đứa con mừng lắm. Nào ngờ nuôi thằng anh thì lớn mà con em (bé Trúc) mãi không chịu lớn. Những năm 1994, tôi gùi con xuống Quy Nhơn thăm khám thì người ta cũng chỉ bảo bé suy dinh dưỡng cũng không nói rõ bệnh tình. Lúc đó, bé Trúc nhỏ xíu xìu xiu như cái “bình thủy” cao chưa được 80 cm, tôi thấy không ổn nên đến năm 1997 gùi con vào Sài Gòn khám xem sao”, bà Trinh nhớ lại.
Ngày đó, bà Trinh không bao giờ ngờ phút giây quyết định đưa con nam tiến đã đưa hai mẹ con bước vào hành trình đằng đẵng kéo dài hơn 7 năm. “Trời ơi! Vô nghe bác sĩ bảo con gái bị suy thận mạn giai đoạn 3 thì nghe chứ có biết gì đâu, sau này mới biết đó là một chứng bệnh nan y, Trúc phải giữ lại điều trị ngoại trú 6 năm”, bà Trinh nói.
Điều kiện y khoa lúc này thật sự chưa phát triển, bác sĩ bệnh viện nhi điều trị kéo dài sự sống cho Trúc hơn 6 năm liền. Người mẹ cứ đi đi về về Gia Lai - Sài Gòn. Bà tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ dặn, từ chế độ ăn, thuốc thang... Song, điều gì đến cũng phải đến, Trúc bắt đầu rơi vào suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận, bác sĩ chỉ định phải ghép thận mới có thể cứu sống Trúc.
Bước đường cùng, người mẹ tiếp tục đi đến quyết định cắt (hiến) một quả thận để ghép cứu con. Một quyết định đầy thử thách cho cả ê-kip bác sĩ, lẫn gia đình bệnh nhi, nhất là vào thời điểm cách đây 15 năm. Bởi cô gái “hạt tiêu” nặng chưa đầy 20 kg không thể nào nhận quả thận người mẹ nặng hơn 50 kg. Về phía gia đình, người thân lo lắng kinh tế không đủ để theo ca mổ, tinh thần và khả năng ca mổ ghép thất bại, ‘mẹ mất thận, con mất mạng’.
Một ngày, trong lúc làm kiểm tra thận của mình để hiến cho con, bà được một bác sĩ khuyên chân thành nên dừng lại ca mổ mạo hiểm này. Bà nhớ mãi đoạn hội thoại với vị bác sĩ:
- Vị bác sĩ: Em có nhà thành phố không?
- Người mẹ đáp: Dạ không!
- Vị bác sĩ hỏi: Thế em có người thân đi nước ngoài hay có nguồn hỗ trợ không?
- Người mẹ lại đáp: Dạ không! Vợ chồng em chỉ làm giáo viên nghèo trên Gia Lai.
Vị bác sĩ khuyên nói: Đôi dép lào còn có số huống hồ chi con người, thôi vợ chồng về cố gắng đẻ thêm đứa nữa rồi chờ y học phát triển thêm rồi tính. Anh nói em đừng buồn, vợ chồng em không thể nào nuôi nổi bé sau khi ghép thận.
Nghe xong những lời trên người mẹ chỉ biết nấc nghẹn, òa khóc và cũng đã nghĩ đến ý định bỏ cuộc.
“Tôi từng tính một bài toán, cả hai mẹ con đi trên cây cầu trong khi phía trước là ngõ cụt. Bây giờ, một là thả tay cho con đi thẳng hoặc hai là mẹ và con cùng nhau đi và rớt xuống sông. Tôi quyết định cả hai mẹ con cùng rớt xuống cầu, một là gặp nước thì cùng nhau chết hoặc là có phao thì cùng nhau sống. Mà tôi thì có cái phao niềm tin ở bác sĩ bệnh viện nên tôi vững tin lắm. Mỗi lần băn khoăn nhưng khi bước vào viện là được bác sĩ an ủi, tôi tiếp thêm niềm tin. Và tôi tin vào số trời đã dẫn dắt mẹ con đi đến đây thì không lý gì dừng lại”.
Bà Trinh cười khi nhớ lại phút giây quyết định ngày ấy đến hôm nay của bà là đúng đắn. Vì người mẹ cho rằng, bài toán trên khó tìm ra một đáp án, khả năng sống con gái chỉ 50-50, song lựa chọn này với bà không có gì phải mất mát cả vì cơ bản sau bao tháng ngày nuôi con bà chỉ còn tay trắng, không còn điều gì phải sợ hãi nữa. Vậy mà nhờ sự kiên định, đứa con gái của bà đã sống khỏe mạnh suốt 15 năm qua.
Ca ghép tạng của cô gái Nhật Trúc 15 năm trước là một ca cực kì khó, giáo sư Trần Đông A phải hội chẩn và mời các chuyên gia ghép tạng bên Pháp sang Việt Nam để thực hiện ca ghép đầu tiên này.
Bài toán cân não đặt ra bấy giờ chính là quả thận của người mẹ nặng 50 kg, làm sao để ghép cho đưa con nặng chưa đầy 20 kg. Quả thận của mẹ sẽ không tương thích với con, nếu ghép bừa thận sẽ hư và coi như sự sống của Trúc đặt vào tình huống vô phương.
Trong 4 ngày liền, Giáo sư Đông A và các bác sĩ phải canh từng chút, đo lượng nước tiểu của bệnh nhi. Sau ca ghép, mẹ con bệnh nhi phải theo dõi liên tục 6 tháng về vấn đề thải ghép. Do hoàn cảnh gia đình bệnh nhi khó khăn, bệnh viện đã hỗ trợ cho phí ca mổ, thuốc chống thải ghép. Sau này, bệnh viện quyết định hỗ trợ hoàn toàn chi phí thuốc, khám chữa bệnh cho Trúc đến năm 18 tuổi.
Nhật Trúc giờ đã 27 uổi, cao 1,25m không còn là cô bé nhỏ tí tì ti của ngày nào. Chị giờ đã trở thành một cô gái tự lập, sống có ước mơ riêng. “Đời mình giống như cô bé từ miền cổ tích bước ra thế giới thật, hồi đó còn nhỏ không hiểu hết nhưng giờ nghĩ lại để đi hết hành trình đó thật sự giống như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Tôi mãi biết ơn những vị bác sĩ đã tái sinh tôi thêm một lần nữa”, Nhật Trúc chia sẻ.
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024