Coi chừng bệnh Hemophilia
Ngày đăng: 04/09/2011
Lượt xem: 9977
Bé N.Q.K, 8 tuổi, được chuyển viện từ bệnh viện tỉnh sang bệnh viện Nhi Đồng 2 vì liệt 2 chi dưới sau chấn thương. Trước đó khoảng nửa tháng, theo lời người nhà bé có leo lên giường và bước hụt chân nên bị té. Sau té thì bé vẫn đi được nhưng sau đó 2 chi dưới yếu dần rồi liệt hẳn. Qua khai thác bệnh sử thì các bác sĩ biết thêm là bé bị mắc bệnh Hemophilie B đang được điều trị. Do đó, các bác sĩ nghi ngờ đây là 1 biến chứng sau chấn thương của bệnh gây xuất huyết rồi tụ máu ở tủy sống chèn ép vào các rễ thần kinh vận động gây liệt.
Kết quả chụp MRI sau đó cũng khẳng định chẩn đoán trên là chính xác. Nhờ đó, bé đã được tích cực điều trị và truyền các yếu tố đông máu cần thiết. Hiện bé đã tạm ổn định, vận động 2 chi dưới có phục hồi nhưng khó nói trước có thể hồi phục hoàn toàn hay không do bệnh đã quá lâu.
Bác sĩ Nguyễn Đình Văn, khoa Ung bướu-Huyết học bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: bình thường khi cơ thể có vết thương chảy máu thì các yếu tố đông máu sẽ giúp tạo thành cục máu đông, từ đó ngừng chảy máu. Nếu một trong số các yếu tố đông máu này không có hoặc bị thiếu thì chảy máu kéo dài có thể xảy ra.
Bệnh Hemophilia là bệnh chảy máu do thiếu yếu tố đông máu VIII hoặc IX. Thiếu yếu tố VIII là hemophilia A, thiếu yếu tố IX là hemophilia B. Bệnh này có tính chất di tryền lặn liên kết với nhiễm sắc thể giới tính X nên chủ yếu gặp ở trẻ trai. Tỷ lệ Hemophlia trong cộng đồng là 2/34830 người (tương đương 25 – 60 người 1 triệu dân) trong đó Hemophilia A là chủ yếu, Hemophilia B chỉ chiếm 13,16% (theo viện huyết học truyền máu trung ương).Biểu hiện chủ yếu của bệnh là xuất huyết. Xuất huyết có thể xảy ra sớm từ thời sơ sinh, thường tụ máu dưới da đầu, chảy máu nội sọ. Xuất huyết có thể tự nhiên hoặc sau 1 chấn thương nhẹ như trường hợp này.
Bác sĩ Nguyễn Đình Văn khuyến cáo đối với bệnh nhi bị bệnh này thì công tác chăm sóc, ngăn ngừa đề phòng chảy máu là cực kì quan trọng và cần được quan tâm hàng đầu. Các bé bị bệnh cần phái chú ý tránh mọi chấn thương, tránh dùng các thuốc Aspirin, kháng Histamin, thuốc tiêm bắp là những tác nhân có thể gây xuất huyết. Ngoài ra, các bé nên được tiêm ngừa viêm gan siêu vi và tuân thủ y lệnh tái khám của bác sĩ nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Hình minh họa tính di truyền của bệnh
Đăng bởi: Bs Trương Anh Mậu, khoa ngoại BV Nhi Đồng 2
Các tin khác
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024