Cảnh giác với viêm âm đạo kéo dài ở bé gái
Ngày đăng: 17/07/2024
Lượt xem: 1795
TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, trường hợp trẻ có dị vật âm đạo nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến các nhiễm trùng nghiêm trọng, hình thành áp-xe và các biến chứng khác, thậm chí…ảnh hưởng đến chức năng sinh sản về sau!
++Liên tiếp tiếp nhận hai trường hợp dị vật âm đạo
Mới đây, y bác sĩ của bệnh viện liên tiếp tiếp nhận và điều trị thành công hai trường hợp dị vật âm đạo, gây viêm âm đạo kéo dài. Đáng lưu tâm khi các trường hợp này ở bé gái 4 và 5 tuổi.
Theo đó, các dị vật đã gây nên tình trạng chảy mủ hôi và viêm âm hộ trong thời gian dài. Đặc biệt bệnh nhi không đáp ứng với việc điều trị thông thường như vệ sinh vùng âm hộ kết hợp điều trị nội khoa kháng sinh và kháng viêm. Không thấy thuyên giảm, các bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, BS.CK2 Phan Tấn Đức – Trưởng khoa Thận Niệu và BS.CK1 Phan Nguyễn Ngọc Tú đã trực tiếp thăm khám cho các bé, chẩn đoán nghi ngờ dị vật âm đạo. Cả hai đều được nội soi và phát hiện dị vật lần lượt là bông gòn, viên pin nhỏ từ những món đồ chơi.
Ngay sau khi dị vật được gắp ra, tình hình các bé ổn định. Hiện bệnh nhi không còn viêm nhiễm sau thời gian dai dẳng và được cho xuất viện.
++“Sớm điều trị, tránh ảnh hưởng chức nắng sinh sản”
Bên cạnh hai trường hợp nêu trên, thời gian qua khoa Thận Niệu của bệnh viện đã điều trị cho các trường hợp dị vật tương tự. Thống kê từ phòng Kế hoạch tổng hợp, từ năm 2021 đến nay có khoảng 30 bé gái được chẩn đoán dị vật âm đạo. Nhận thấy vấn đề này rất cần phụ huynh cảnh giác cho con trẻ, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 có những chia sẻ liên quan.
“Hầu hết các bé đến thăm khám ở độ tuổi từ 3 đến 8 tuổi và chiếm tỷ lệ nhiều nhất từ 4 đến 6 tuổi. Với các triệu chứng đặc biệt lưu ý là dịch tiết âm đạo kéo dài. Khác với các nhiễm trùng thông thường, dịch tiết do dị vật có thể liên tục và thường có mùi hôi. Song song đó vùng âm hộ sinh dục ngoài viêm đỏ cũng rất điển hình, bệnh nhi thường ngứa hoặc kích ứng liên tục không giảm với các phương pháp điều trị thông thường.
Ngoài ra bé có thể than phiền đau hoặc khó chịu ở vùng âm đạo, các triệu chứng tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu đau cũng có thể có.”.
Ghi nhận bệnh sử, các bệnh nhi thường chơi những loại đồ chơi kích thước nhỏ, lắp ráp hoặc đầu bút chì sáp, nút áo, phụ kiện gấu bông,….
Những dị vật không chỉ là nguyên nhân gây viêm nhiễm chảy máu âm đạo kéo dài ở trẻ, đôi khi còn gây nhiễm trùng nặng ảnh hưởng chức năng sinh sản về sau: “Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, dị vật âm đạo có thể dẫn đến các nhiễm trùng nghiêm trọng, hình thành áp-xe và các biến chứng khác. Nó cũng có thể gây căng thẳng cảm xúc đáng kể cho trẻ.”, Bác sĩ Thạch khẳng định.
Điều trị trường hợp nghi ngờ dị vật âm đạo, các bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi âm đạo thám sát, gắp dị vật, vì có thể quan sát rõ bên trong. Ống nội soi âm đạo phải là ống nhỏ dành chon hi để tránh gây tổn hại và rách các mô mềm xung quanh (nhất là màng trinh của bé).
Để phòng ngừa, Bác sĩ Thạch nhấn mạnh gia đình nên sát sao con trẻ. Với trẻ lớn nên giải thích cho trẻ về cơ thể của mình, giúp trẻ hiểu những khu vực nhất định là riêng tư và không nên được khám phá bằng các vật thể. Đồng thời phụ huynh hãy thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ để các bé cảm thấy an tâm và sẵn sàng chia sẻ về bất kỳ sự khó chịu hoặc cảm giác bất thường nào!
Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm vùng âm đạo, có thể là một vấn đề phổ biến và gây khó chịu ở các bé gái. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm âm đạo nhưng một yếu tố thường bị bỏ sót là sự hiện diện của dị vật trong âm đạo. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến sự khó chịu kéo dài và các biến chứng. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh, người chăm sóc bé và nhân viên y tế phải nhận thức được nguyên nhân tiềm ẩn này để có hướng can thiệp kịp thời cho bé. Viêm âm đạo do dị vật xảy ra khi một vật gì đó vô tình bị đặt và nằm trong âm đạo. Điều này có thể là bất cứ thứ gì từ đồ chơi nhỏ, bông gòn, mảnh giấy vệ sinh, hoặc các vật thể khác mà trẻ có thể vô tình đặt vào do tò mò. Các bé gái, đặc biệt là những bé từ 2 đến 7 tuổi, dễ bị tình trạng này do hành vi khám phá tự nhiên và thiếu nhận thức về cơ thể của mình. ++Khi nào cần đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế: Phụ huynh nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, điều quan trọng là phải tìm đến sự tư vấn y tế. Bác sĩ có thể thực hiện khám lâm sàng và loại bỏ dị vật một cách an toàn. Đừng cố gắng tự loại bỏ dị vật, vì điều này có thể gây thương tổn thêm!
++Thông tin dành cho Nhân viên Y tế:
Tiếp nối thành công từ các lần tổ chức trước, phần Ngoại Nhi tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Nhi đồng 2 năm 2024 trở lại với đa dạng các thông tin. Theo đó, chương trình Huấn luyện tiền hội nghị với chủ đề “Cập nhật điều trị tinh hoàn ẩn ở trẻ em”, kết hợp mổ thị phạm; Các phiên tại chương trình Hội nghị gồm: Ngoại tổng hợp và Ung bướu, Gan Mật Tụy - Ghép ghan và Niệu nhi; Chỉnh trực và Gây mê hồi sức.
Đây là sự kiện thường niên của bệnh viện, nhằm cập nhật những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm mới nhất về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhi. Đồng thời Hội nghị tạo điều kiện để các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên y tế trên toàn quốc có cơ hội giap lưu, hợp tác và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.Thành phần Chủ tọa đoàn và báo cáo viên là những chuyên gia thâm niên, đang công tác tại các Đại học, Bệnh viện trên toàn quốc. Kính mời Quý đồng nghiệp quan tâm và tham dự. Thông tin xin vui lòng quét mã QR code trên ảnh đăng kèm. Trân trọng! |
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024