Khi nào cần nghĩ đến bệnh lý Động kinh ở trẻ em
Ngày đăng: 30/04/2024
Lượt xem: 1920
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ động kinh chiếm từ 0,5 – 2% dân số trên toàn thế giới. Ở các nước châu Á, châu Phi bệnh động kinh gặp nhiều hơn ở các nước châu Âu gấp 4 đến 5 lần. Riêng bệnh động kinh ở trẻ em chiếm 0,35% tổng số bệnh nhân động kinh.
Bệnh động kinh được xếp vào nhóm bệnh mạn tính phổ biến ở trẻ em, BS.CK2 Phạm Hải Uyên, Phó khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ chia sẻ về bệnh lý này và các dấu hiệu cần lưu ý kịp thời!
Bệnh động kinh xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra những biểu hiện khác nhau, trong đó biểu hiện chính là các cơn co giật, cơn mất ý thức, giật cơ, co cứng, cơn mềm nhũn người (cơn mất trương lực), hoặc các cơn rối loạn thần kinh tự động. Bệnh hầu hết do bất thường cấu trúc não, các bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý tự miễn, bệnh lý chuyển hóa, bất thường gen và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Theo nguồn Tạp chí Y học Việt Nam năm 2022, tỷ lệ mắc bệnh động kinh ở Việt Nam khoảng 0,5%-1%, trong đó động kinh ở trẻ em chiếm 60%. Cụ thể, có đến 50% cơn động kinh xuất hiện trước 10 tuổi (với tỉ lệ cao nhất trong 1 năm đầu đời), 75% cơn động kinh xuất hiện dưới 20 tuổi và có xu hướng gia tăng sau 60 tuổi.
Bác sĩ Uyên cho biết, nếu không kiểm soát tốt cơn động kinh, trẻ sẽ có nguy cơ chấn thương, bệnh lý não do co giật kéo dài có thể dẫn tới tử vong, về lâu dài trẻ có thể bị chậm phát triển, cô lập xã hội…Ngoài ra, trẻ sẽ bị nhập viện nhiều lần, dễ mắc các bệnh cơ hội, tăng gánh nặng kinh tế xã hội.
Phụ huynh cần nghĩ đến cơn động kinh khi trẻ có:
- Cơn co giật không sốt, tự phát, không liên quan chấn thương, bệnh lý nội khoa (viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương, rối loạn điện giải…)
- Cơn mất ý thức, cơn co gồng, cơn tím.. trong vài giây đến vài phút.
Chẩn đoán động kinh phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện dựa trên các đặc điểm cơn, điện não đồ và các xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch não tủy, xét nghiệm gen, chụp hình não…
Thông tin dành cho Nhân viên y tế:
Với 6 nội dung chuyên môn liên quan đến Sốt co giật và động kinh ở trẻ em được trình bày bởi các chuyên gia của Liên chi Hội Thần kinh học, Đại học Y Dược TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hội thảo Khoa học “Sốt co giật và động kinh” – Hội thảo khoa học thường niên của Bệnh viện Nhi đồng 2 dành cho các y bác sĩ sẽ diễn ra vào ngày 04/05/2024.
Thông tin chi tiết xin vui lòng tham khảo link: https://forms.gle/tPUCkKrTdQpYzbMK8)
Ban tổ chức trân trọng kính mời Quý đồng nghiệp cùng quan tâm tham dự!
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Bệnh viện Nhi đồng 2 sử dụng kỹ thuật ECMO cấp cứu bệnh nhi người nước ngoài sốc tim – ghép tim 08/09/2024
Bé sơ sinh 4 ngày tuổi được cứu sống nhờ phẫu thuật khẩn cấp trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/9 06/09/2024
Tiêm vắc xin để chủ động phòng bệnh sởi 06/09/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 9/2024 30/08/2024