Bấm vào hình để xem kích thước thật

Điều trị thành công hai trường hợp theo dõi ngộ độc Botulinum

Ngày đăng:  09/04/2024

 
Lượt xem: 1311

Sau hơn nhiều ngày tích cực điều trị, hai trường hợp nghi ngờ ngộ độc Botulinum (đã được Sở Y tế TP.HCM thông tin vào tháng 2 vừa qua) đã có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Theo thông tin từ BS.CK2 Nguyễn Diệu Vinh – Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp của bệnh viện, là nơi tiếp tục điều trị cho hai bé sau khi vượt qua giai đoạn hồi sức tích cực, bé có triệu chứng nhẹ hơn đã được xuất viện vào ngày 01/3/2024, sinh hoạt bình thường và đi học lại. Trường hợp nặng hơn đến nay đã điều trị hơn 60 ngày ghi nhận sức cơ hồi phục dần, cháu bé tự ngồi được và dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần tới.

 

Trước đó, khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhi nhập viện từ các bệnh viện tuyến trước với chẩn đoán các bệnh lý của não (viêm não, xuất huyết não...). Tuy nhiên sau khi khai thác dịch tễ hai bé cùng ăn tiệc tất niên và biểu hiện bệnh, các bác sĩ nghĩ ngay đến dấu hiệu ngộ độc Botulinum. Hai bé được thực hiện các xét nghiệm máu, chụp CT-scan não, MRI não, đo điện cơ để chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác đồng thời được khẩn trương truyền thuốc giải độc tố Botulinum (BAT) ngay trong đêm.

 

Từ các trường hợp ngộ độc Botulinum vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin thêm đến quý phụ huynh về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường liên quan đến việc ăn uống các thực phẩm chế biến sẵn, được gói hoặc đóng hộp có nhiễm độc tố botulinum do chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra trong quá trình bảo quản. Thời gian khởi phát bệnh thông thường 12 – 36 giờ sau ăn, phần lớn trong vòng 24 giờ, có thể khởi phát chậm trong vòng 6 – 8 ngày. Bệnh cảnh chủ yếu của ngộ độc này là gây liệt các cơ lan dần từ trên xuống, tùy mức độ khác nhau. Triệu chứng cổ điển bao gồm nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mí, nói ngọng, nuốt khó, khô miệng và yếu cơ. Trẻ em bị ngộ độc botulinum nhìn vẻ mệt mỏi, ăn (bú) kém, táo bón, khóc yếu và trương lực cơ giảm. Nếu không điều trị kịp thời, có thể tiến triển thành yếu liệt cơ hô hấp, tay, chân và toàn thân gây suy hô hấp dẫn đến tử vong. Bệnh được điều trị đặc hiệu bằng thuốc giải độc tố botulinum và các biện pháp chăm sóc, nâng đỡ khác như hỗ trợ hô hấp, xoay trở, vận động trị liệu, kháng sinh phòng ngừa bội nhiễm... BAT là loại thuốc hiếm, không phải lúc nào cũng sẵn có nên người dân cần chủ động phòng tránh bệnh này bằng cách đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Để chủ động phòng ngừa sự cố, Quý phụ huynh nên: 

  • Chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, lưu ý thời hạn sử dụng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được chứng nhận.
  • Thận trọng với thực phẩm đóng hộp, khi mở có mùi hoặc màu sắc hoặc vị thay đổi bất thường nên bỏ ngay.
  • Ưu tiên ăn thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

 

►►Tại Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 4/2024 của bệnh viện sẽ cập nhật nội dung Tổng quan về ngộ độc Botulinum ở trẻ em. Kính mời Quý đồng nghiệp sắp xếp tham dự!

Thông tin chi tiết vui lòng tham khảo thêm (tại đây)

 

Đăng bởi: Nguyễn Tâm

[Trở về]

Các tin khác