Có nên trì hoãn tiêm các loại vắc-xin khác sau khi tiêm phòng Covid-19 cho trẻ?
Ngày đăng: 22/04/2022
Lượt xem: 2779
“Việc trì hoãn tiêm các loại vắc xin phòng bệnh khác có thể làm trễ lịch tiêm của trẻ khiến việc phòng ngừa các bệnh này kém hiệu quả.”, BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Khoa Sức khỏe trẻ em, bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ.
Theo đó, vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng là Pfizer và Moderna. Đây là vắc-xin mRNA, không phải vắc-xin sống giảm độc lực, do đó sau khi tiêm ngừa Covid-19, trẻ vẫn có thể tiếp tục tiêm các loại vắc-xin khác theo lịch hẹn, nên không cần trì hoãn.
Theo Bác sĩ Thùy, quý phụ huynh nên động viên tinh thần trẻ trước khi tiêm phòng, đồng hành cùng con trong suốt thời gian trước, trong và sau khi tiêm.
Ngoài ra, quý phụ huynh cũng nên giữ gìn sức khỏe ổn định cho trẻ trước khi tiêm. “Hạn chế cho trẻ tham gia các hoạt động kéo dài dưới trời nắng nóng trước ngày tiêm từ 1 đến 2 ngày, để tránh làm trẻ bị cảm, sốt sẽ khó thực hiện mũi tiêm hoặc sẽ khó có thể phân biệt nguyên nhân sốt là từ vắc-xin hay trẻ đang bị bệnh sau khi tiêm.”, Bác sĩ Thùy nhấn mạnh.
Tương tự các loại vắc-xin khác, trẻ có thể có các dấu hiệu tại chỗ tiêm như: sưng, đau, đỏ và dấu hiệu toàn thân như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, chán ăn…. các dấu hiệu này sẽ giảm sau 3 ngày. Quý phụ huynh cũng theo dõi dấu hiệu viêm cơ tim, như: đau ngực, khó thở trong vòng 7 ngày. Phụ huynh vẫn tiếp tục theo dõi trẻ trong 28 ngày theo khuyến cáo của Bộ y tế.
Đối với các trẻ đã từng mắc Covid-19, trẻ vẫn cần tiêm ngừa Covid. Thời gian tiêm là cách 3 tháng, tính từ thời điểm trẻ có xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Với các loại vắc xin phòng bệnh khác hiện có tại bệnh viện, Khoa Sức Khỏe Trẻ Em hy vọng sẽ tiếp tục là nơi để các bố mẹ yên tâm gửi gắm việc tiêm phòng cho trẻ trong thời gian tới./.
Đăng bởi: Thúy Nguyễn
Các tin khác
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024