Đèn cầy nằm trong trực tràng - tình huống hiếm gặp
Ngày đăng: 03/11/2021
Lượt xem: 4436
Thương cháu bị bón thường xuyên, bà ngoại dùng cây nến để thông hậu môn cho cháu vì nghĩ sáp trơn trượt giúp bé dễ đi phân hơn, nhưng lại khiến bé khó chịu, nguy hại tính mạng khi cây nến lọt thỏm vào trực tràng...
Đêm 23/10/2021, BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận một trường hợp lâm sàng hi hữu, bé trai 5 tháng tuổi ngụ ở Bình Dương thường xuyên tiêu bón được bà ngoại dùng cây nến dài 10cm, đường kính 5 – 6mm để thông hậu môn cho bé. Không may, cây nến kẹt luôn trong hậu môn. Ê kíp nội soi tiêu hóa lúc đó do BS Võ Hoàng Khoa (Khoa Tiêu hóa) phụ trách đã khẩn trương hội chẩn ngay trong đêm, phải dùng ống soi nhỏ (đường kính 6mm) mới qua được lỗ hậu môn và thấy cây nến gãy làm đôi nằm bên trong trực tràng.
Do nến trơn trượt, các dụng cụ gắp hiện có đều không thể sử dụng lấy ra được. Cuối cùng ê kíp nội soi phải tự tạo một thòng lọng làm từ ống sonde dạ dày loại nhỏ mềm luồn bên trong 1 sợi chỉ gấp đôi. Tuy có nhiều kinh nghiệm, sự khéo léo và quyết tâm nhưng ê kíp nội soi cũng phải khó khăn lắm mới lấy được cây nến gãy đôi trong trực tràng với dụng cụ là cái thòng lọng tự tạo ngay trong phòng mổ mà không có sách vở nào giảng dạy.
Qua trường hợp này chúng tôi cũng xin cảnh báo đến những người chăm sóc trẻ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa một vật vào các lỗ tự nhiên (họng, mũi, tai, hậu môn, âm đạo): vật có cứng hay sắc nhọn gây tổn thương hoặc chảy máu, vật có thành phần hóa học gây viêm loét ngộ độc, vật nhỏ hay vật có bộ phận nhỏ có khả năng rớt lọt hẳn vào trong sâu và nếu lỡ xãy ra thì đến ngay cơ sở y tế để lấy ra, không tự ý lấy nhằm tránh kẹt sâu hơn, nguy hiểm đến tính mạng…và cũng không cho các trẻ em chơi các vật nguy hiểm (đồ chơi cần phải phù hợp với lứa tuổi để hạn chế tai nạn) như: trẻ tự nuốt đinh vít, nuốt pin các loại, kẹp giấy, kim bấm, đá, nam châm… nhét vào mũi hay tai các mảnh lego… kể cả trẻ lớn ngậm đồ chơi trong miệng rồi lỡ nuốt.
MỘT VÀI HÌNH ẢNH THỰC TẾ KHÁC MÀ TRẺ NUỐT PHẢI
Đăng bởi: Khoa Tiêu Hóa
Các tin khác
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024