Bệnh viện dã chiến - Những câu chuyện khó quên
Ngày đăng: 11/09/2021
Lượt xem: 3796
Thấm thoát thế mà đã ngót nghét 2 tháng, 370 nhân viên Bệnh viện Nhi đồng 2 và các đơn vị bạn tăng cường gác lại gia đình của bản thân để đến đây, ngày đêm nỗ lực hết mình tại bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 11.
Có lẽ, ở nơi đây vào thời điểm như thế này, mới có dịp trải qua những câu chuyện thật khó quên, những câu chuyện đầy tình người nơi tuyến đầu ghi lại những kỷ niệm đẹp sẽ in trong tim chúng ta trong suốt quãng đời sau này.
Một bác sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ điều trị kể lại:
“Đang học sau đại học thì thấy dịch covid căng thẳng quá, em xin tình nguyện ra đây mong đóng góp giúp phần nhỏ cho người bệnh, cũng gần 2 tháng chưa về nhà, từ những bỡ ngỡ ban đầu, tự học và học các anh chị, nay dần quen công việc, xông pha mới thấy đường còn dài, nhiều câu chuyện chứng kiến mới thấy giá trị tình người thật lớn lao.
Em từng điều trị cho một gia đình 5 người nhiễm covid và phải nằm ở 2 nơi khác nhau, bố và ông nội nằm Bệnh viện dã chiến số 3, mẹ và 2 em bé nhỏ nằm ở dã chiến số 11. Ngày sau người mẹ trở nặng phải chuyển khẩn phòng cấp cứu thở oxy, 2 em bé cũng không ai chăm, thế là em trở thành “bảo mẫu bất đắt dĩ ” cho 2 con ngay tại phòng bệnh trong lúc đợi bố và ông nội từ dã chiến số 3 chuyển sang. Tuy cực nhưng mà vui lắm.
Sau 4 ngày điều trị, người mẹ hồi phục dần, thời gian sau cả nhà cùng nắm tay nhau ra viện.
Cùng nhau nỗ lực để gia đình đoàn tụ và điều trị tại một bệnh viện, kết quả gia đình khỏi bệnh là phần thưởng to lớn đối với chúng em, nhìn cả nhà hớn hở xuất viện, trong lòng em dâng trào niềm vui.”
Trong hàng nghìn ca được điều trị tại Bệnh viện dã chiến 11, chúng tôi thường lo lắng nhiều hơn cho những bệnh nhân lớn tuổi và nhiều bệnh nền. Vì thường họ thuộc nhóm nguy cơ diễn tiến nặng hoặc tử vong bất cứ lúc nào.
Vẫn còn nhớ mãi cụ T gần 90 tuổi với bệnh nền Tăng huyết áp, ngày vào viện cụ viêm phổi, thở khó, thở oxy từ lưu lượng thấp lên lưu lượng cao, trong đầu chúng tôi lúc đó nghĩ cụ sẽ không qua khỏi.
Nhưng rồi “còn nước còn tát, còn thở còn gỡ”. Chúng tôi vẫn miệt mài quyết tâm và cụ hồi phục ngoạn mục sau 1 thời gian cụ và chúng tôi cùng nhau nỗ lực, như một phần thưởng khiến chúng tôi và gia đình cụ mừng rỡ, sung sướng, vỡ òa hạnh phúc.
Ngày cụ xuất viện, nói chuyện mà cái tai nặng nặng hổng nghe, cứ “hả hả, sao con?”, rồi cứ: “để tao về nấu cơm gửi vào cho mấy đứa ăn nha”. Nghe mà thương gì đâu! Lời cụ như một động lực giúp chúng tôi vững mạnh, bền bỉ để chiến đấu tiếp trong cuộc chiến chống covid.
Bác sĩ đang siêu âm cho bệnh nhi tại bệnh viện dã chiến số 11
Rồi những câu chuyện vừa cười vừa thương:
“7 giờ tối, nguyên cả khoa tôi bật cười khi nhận cụ H, 77 tuổi vào viện để chăm cho chị gái năm nay 79 tuổi.”
Ai cũng hỏi: Cụ ơi, thiệt hông? tuổi đó sao đi chăm bệnh?
Thì ra, trước 1 ngày, người chị vào nằm phòng cấp cứu thở oxy bên khoa tôi, cần người phụ chăm vì lớn tuổi. Y tế phường gọi chúng tôi thông báo có người nhà cũng là F0 tình nguyện vào.
Chúng tôi mừng vì đã có người phụ, đến khi cụ H vào khoa với vai trò vừa là bệnh nhân vừa là người chăm sóc cho chị gái sinh năm 1942, chúng tôi mới ngã ngữa.- hỏi ra mới biết cả nhà 5 cụ, không có con cháu, nương tựa nhau sống, ai cũng bị Covid, người trẻ nhất trong nhà là cụ H.
Nghĩ vừa cười vừa thương, cười vì cụ gần 77 tuổi rồi, chăm ai nỗi, thương vì cả 2 cụ đã tầm tuổi này, không con cái giờ bệnh tật, phải chăm nhau.
Cả 2 cụ nằm phòng cấp cứu, thế là anh chị em chúng tôi, mỗi người phụ nhau một tí, bác sĩ cấp cứu cho y lệnh điều trị, chúng tôi người giúp thay tã, người lo cho các cụ phần ăn. Công việc của đội cấp cứu vì thế nhiều hơn.
Tuy cực, vì phòng cấp cứu đông mà các cụ cũng lớn tuổi, nhưng vui vì 3 ngày sau cả hai cụ cai được oxy, sau đó được xuất viện. Ngày tiễn 2 cụ về, nhìn 2 cụ xách giỏ cùng nhau bước ra khỏi khoa đi về, trong chúng tôi lâng lâng niềm vui khó tả, như được tiếp thêm động lực để cố gắng, rồi sẽ thành công.
Tiếng hát giữa đất trời thênh thang, một đêm diễn tình người:
Sau những buổi làm việc hết mình, tối đến không tivi, chúng tôi thường tự giải trí với nhau bằng những câu chuyện cười, ai biết gì kể nấy, miễn là cho mọi người cười hả hê sau những giờ cực nhọc, quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ con, nhớ chồng, nhớ vợ. Một tối nọ, bầu trời trong veo, yên ắng…ánh đèn các phòng sáng lên trong toà nhà như bầu trời đầy sao. Văng vẳng tiếng hát ca sĩ Cẩm Vân, một Cẩm Vân thật đời thường cùng con gái đứng hát trước mặt chúng tôi. Tối đó, có ca sĩ chuyên nghiệp, có ca sĩ nghiệp dư là những nhân viên y tế chúng tôi, khán giả cũng là những người đặc biệt- bệnh nhân Covid, có lẽ đây là đêm diễn tình người và nhân văn nhất giữa đất trời Sài Gòn lúc này.
“Em ơi hãy lắng nghe, em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở…”. Nghe mà nghẹn, nhớ thành phố của tôi ngày trước.
Tôi và đồng nghiệp đang lắng nghe thành phố mình thở, một hơi thở nặng nề hơn ngày thường, nhưng rồi nhanh thôi, hơi thở năng động, nhộn nhịp ngày nào của thành phố tôi yêu sẽ trở lại.
Ca sĩ hoà mình cùng nhân viên y tế trong đêm nhạc phục vụ bệnh nhân tại BVDC số 11
Cuộc chiến chắc sẽ còn dài, khó khăn còn nhiều, thành phố vẫn còn nhiều thứ phải làm phía trước. Với vai trò là nhân viên y tế, hơn ai hết chúng tôi tự động viên bản thân mỗi ngày trôi qua phải luôn cố gắng hết sức để ngày nào đó được nhìn thấy thành phố trở lại trong trạng thái “Bình thường mới” và chúng ta lại được hân hoan cùng nhau bước tiếp.
Một buổi giao ban sáng của chúng tôi tại bệnh viện dã chiến số 11
BS HQP- Bệnh viện dã chiến số 11 - Bệnh viện Nhi Đồng 2
Đăng bởi: Thúy Nguyễn
Các tin khác
Bàn giao mái ấm giúp hộ dân đón Tết và khám chữa bệnh, phát quà đến 300 trẻ em tại Di Linh, Lâm Đồng 13/01/2025
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024