Ghép thận ở trẻ em
Ngày đăng: 22/03/2021
Lượt xem: 5816
Thận là 1 cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng như: bài tiết các chất độc hại sau khi cơ thể đã chuyển hóa thông qua sự bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, điều chỉnh cân bằng toan – kiềm, cân bằng nước – điện giải, giúp xương được khoẻ, tạo hồng cầu, giúp trẻ tăng trưởng…
Khi bệnh nhân bị các bệnh lý thận – tiết niệu khác nhau, làm cả hai thận bị tổn thương và không có khả năng hồi phục thì được gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối. Khi đó bệnh nhân chỉ sống được nhờ một trong ba biện pháp điều trị thay thế thận: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận, trong đó ghép thận là phương pháp điều trị lý tưởng nhất dù không phải là phương pháp điều trị triệt để.
Thận ghép có thể thay thế cả chức năng bài tiết và chức năng nội tiết của thận suy. Bệnh nhân được ghép thận, có sức khỏe và cuộc sống gần như bình thường và đứa trẻ có thể quay lại trường học sau 6 tháng – 1 năm sau ghép thận.
Sau một tuần người hiến thận có thể ra viện và phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn sau 1 tháng. Đối với người nhận thận cần thời gian dài hơn để theo dõi và hướng dẫn dùng thuốc trước khi ra viện. Quá trình này có thể hoàn tất từ 2 đến 3 tuần.
Ngoài ra, chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt là những biện pháp cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân sau ghép tạng.
Sau ghép thận, mặc dù chức năng thận ghép tốt, bệnh nhân trở lại cuộc sống khỏe mạnh như người bình thường nhưng các bệnh nhân luôn luôn cần ghi nhớ một số điều dưới đây:
- Phải luôn luôn nhớ uống thuốc đầy đủ hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Sau ghép thận bệnh nhân vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các biến chứng như: thải ghép cấp, do các thuốc chống thải ghép làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể nên bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (viêm phế quản- phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm lao), virus (virus thông thường, thủy đậu, zona, CMV, EBV), nấm... Mặt khác các thuốc còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác như: mặt tròn, mọc nhiều lông hơn, phì đại nướu, tăng huyết áp, đái tháo đường... Chính vì thế bệnh nhân sau ghép thận cần tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra nồng độ thuốc ức chế miễn dịch sau ghép cho phù hợp.
- Không ngừng thuốc, tự ý thay đổi thuốc hay liều lượng thuốc vì tác dụng phụ (phải hỏi ý kiến bác sĩ) hay vì cảm thấy đã khỏe mạnh.
- Bệnh nhân sau ghép thận do tâm lý thoải mái nên thường ăn ngủ nhiều, dễ tăng trọng lượng cơ thể, ảnh hưởng tới sức khoẻ, do đó cần có kế hoạch ăn uống điều độ. Nên ăn đồ ăn đã nấu chín, không ăn đồ sống, đồ biển, nước chưa đun sôi, sữa tươi, rau quả đã dập nát. Kiêng rượu và các đồ uống có cồn khác. Nên ăn thức ăn ít muối, ít chất béo, ít đường. Không nên ăn các loại đậu.
- Nên tạo môi trường sinh hoạt với không khí trong lành, thoáng mát, dọn dẹp sạch các nơi có chứa nước. Không nuôi chim, súc vật nếu không thể kiểm soát lây nhiễm (như chó ghẻ, heo, bọ chét….). Tránh khu vực ô uế, đám tang người có bệnh truyền nhiễm, nơi đông người, nhất là trong mùa có dịch bệnh hô hấp. Tránh hướng gió gần nơi ô nhiễm. Cần dùng kem chống nắng khi đi biển hoặc phải ở ngoài trời nhiều giờ liên tục. Tránh để mắc cảm cúm, tránh gần những người bị các bệnh truyền nhiễm.
Ghép thận đã mang lại chất lượng cuộc sống rất tốt cho những bệnh nhân được ghép đặc biệt ở trẻ em.
Hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện là một trong những trung tâm Nhi khoa quản lý và điều trị bệnh thận mạn ở trẻ em lớn nhất khu vực phía Nam, đặc biệt là trung tâm đầu tiên cũng như là duy nhất ở khu vực Nam Bộ hiện nay có đủ 3 phương pháp thay thế thận, trong đó có ghép thận. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho đến hiện nay đã thực hiện thành công 18 ca ghép thận ở trẻ em, đặc biệt có 1 trường hợp ghép tạng từ người hiến chết não.
THS.BS VÕ THỊ TƯỜNG VY - Khoa Thận Nội Tiết
Đăng bởi: Thúy Nguyễn
Các tin khác
Bàn giao mái ấm giúp hộ dân đón Tết và khám chữa bệnh, phát quà đến 300 trẻ em tại Di Linh, Lâm Đồng 13/01/2025
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024