Bấm vào hình để xem kích thước thật

Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Ngày đăng:  20/11/2020

 
Lượt xem: 6977

Chia sẻ của TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 về người thầy của mình nhân ngày Hiến chương Nhà Giáo Việt Nam 20/11 “Thầy Trần Đông A là cây cổ thụ, cánh chim đầu đàn trong chuyên ngành về Nhi khoa, đặc biệt là Phẫu thuật nhi của Bệnh viện Nhi đồng 2 nói riêng và ngành Ngoại nhi Việt Nam nói chung.

Một người Thầy tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò về ngành y và sinh viên y khoa. Nhiệt huyết, tận tâm của Thầy về ngành Nhi và ngành Phẫu thuật Nhi đã truyền cho các em rất nhiều. Thế nên, sau khi ra trường, sinh viên Y khoa đã nhìn vào Thầy, chọn cho mình công việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Tôi cũng vậy, tôi may mắn được học và biết đến Thầy, hiểu được Thầy, cảm nhận rất rõ ý nghĩa của môn Ngoại Nhi. Đam mê trong tôi từ đó được hình thành, tôi chọn Ngoại Nhi làm lối đi cho mình.

 

Hôm nay, qua nhiều thế hệ Y khoa, Thầy vẫn vậy, vẫn mang trong người ngọn lửa nghề y, năng lượng tích cực vẫn cháy bổng theo từng ca bệnh lạ. Nguồn cảm hứng ấy vẫn như hôm qua, bất tận và mỗi khi nhìn thấy Thầy, tôi càng quyết tâm làm tốt hơn công việc của mình, như một cách báo ân đến Thầy. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin được tri ân tới Thầy – Giáo sư Trần Đông A, người đã có nhiều đóng góp cho ngành Y khoa và Phẫu thuât nhi của bệnh viện Nhi đồng 2 cũng như của cả nước” 

GS Trần Đông A: Một đời gắn với những chuyện khó

- Ca mổ tách song sinh dính liền Việt - Đức: GS Trần Đông A – phẫu thuật viên chính, người có nhiều quyết định quan trọng của ca mổ lịch sử đã được mời báo cáo tại nhiều nước như: Nhật, Hungary, Pháp, Mỹ.. và báo chí Pháp đã đánh giá là một trong những ca mổ “tinh tế nhất của thế kỷ 20”

 

- Năm 1990, Sở Y tế Paris đã đánh giá GS Trần Đông A là một trong 7 người có trình độ cao của thế giới đến làm nghiên cứu tại Paris.

 

- Năm 1993, sau cuộc viếng thăm của Cố Tổng Thống Pháp François Mitterrand, chương trình FFI được nhân rộng ra toàn quốc và bao gồm các chuyên ngành khác nữa sau khi được tổ chức thành công tại BV Nhi Đồng 2. Cho đến nay, nhiều người được đào tạo trong chương trình này hiện đang đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng trong ngành y tế. Trong số này có rất nhiều bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 2 như: PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp, TS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy, TS.BS Trương Quang Định, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, TS.BS Phạm Thị Ngọc Tuyết, ThS Nguyễn Minh Trí Việt, BS Vũ Trường Nhân, ….

 

- Không chỉ thế, nhờ thành công của ca mổ Việt - Đức mà Giáo sư Alain Carpentier (Pháp) -  người đồng sáng lập Viện Tim cùng với Viện sĩ - Tiến sĩ - Bác sĩ Dương Quang Trung -  cũng đến thăm Bệnh viện Nhi đồng 2 nhiều lần và chính vì thấy một bệnh nhi bị tứ chứng Fallot chết trước mắt ông tại khoa Tim Mạch Bệnh viện Nhi đồng 2 mà Giáo sư Alain Carpentier đã đồng ý với sự đề nghị của lãnh đạo TP.HCM thành lập Viện Tim cho Thành phố và đầu tiên của cả nước.

 

Một tình yêu lớn đến cuối đời…

Sau trên 40 năm làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ bác sĩ phẫu thuật nhi, Trưởng khoa, rồi Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, những nỗ lực, cống hiến của GS Trần Đông A đã được ghi nhận: đại biểu Quốc Hội hai khóa liên tiếp (XI và XII), ủy viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của TP.HCM và Trung Ương; Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Huân chương lao động hạng Nhất, Chiến sĩ thi đua toàn quốc…

 

Đây là thành quả của việc vượt qua những chuyện “rất khó” của cá nhân sau ngày đất nước giải phóng, lựa chọn ở lại để đóng góp cho quê hương, nỗ lực góp phần ngay từ đầu vào việc xây dựng về nhiều mặt cả vật chất lẫn chuyên môn cho bệnh viện Nhi Đồng 2, cho ngành y. Sau khi nghỉ hưu, lẽ ra GS Trần Đông A đã có thể thảnh thơi tận hưởng những tháng ngày còn lại. Nhưng không, ông vẫn ngày đêm miệt mài với những ca bệnh khó, bệnh lạ, gắn bó trái tim mình với việc đào tạo những thầy thuốc trẻ, với mái nhà Nhi Đồng 2 và với chương trình ghép tạng nhi của BV Nhi Đồng 2 nói riêng và toàn quốc nói chung. Khi nào cần, ông luôn có mặt. Khi được lãnh đạo hiện tại gợi ý là tiếp tục làm việc khi còn sức khỏe, cụ thể là giữ vị trí “cố vấn chuyên môn cao cấp” cho bệnh viện, GS Trần Đông A đã  trả lời: “Tôi rất vinh dự được yêu cầu như vậy. Chỉ khi nào tôi thấy sức khỏe không cho phép, nhất là không còn sáng suốt thì xin phép cho tôi được nghỉ”.

 

- Năm 2020, ca mổ tách dính ca song sinh Trúc Nhi, Diệu Nhi diễn ra hôm 15/7 là một sự kiện cũng gây chấn động và như một lẽ đương nhiên phải thế, GS Trần Đông A lại tham gia, đóng vai trò cố vấn chuyên môn. Nếu như ca mổ Việt - Đức năm xưa tạo ra sức bật cho ngành ngoại nhi phát triển thì ca mổ tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi là một dấu mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam. Đóng góp cho sự thành công này, trong ê kíp phẫu thuật, có không ít những con người trưởng thành từ BV Nhi Đồng 2, từ sự dẫn dắt, dạy dỗ chuyên tâm, tận tình của GS Trần Đông A.

 

Ông chia sẻ: “Qua 13 giờ đồng hồ theo dõi sát các đàn em và học trò của tôi thực hiện tách dính, tôi rất hài lòng vì rõ ràng là hiện tại đội ngũ phẫu thuật viên nhi kế thừa đã được đào tạo rất bài bản chẳng những ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Và ca mổ lại được thực hiện tại một bệnh viện nhi xây dựng hiện đại và trang bị không kém gì một trung tâm hàng đầu thế giới nên tôi rất hài lòng và hiện vẫn tiếp tục theo dõi sự tiến triển của 2 cháu bé”.

 

Tuổi nào ở ông luôn tràn đầy năng lượng, tràn đầy tâm huyết, tình thương dành cho bệnh nhân, tình yêu với BV Nhi Đồng 2, với bao lứa đàn em – học trò do mình dạy dỗ…

 

Một người thầy thuốc đúng nghĩa mà bao người ngả mũ, kính phục.

 

 

 

Đăng bởi: Thúy Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác