Bấm vào hình để xem kích thước thật

Khi chúng tôi về hưu mà không có lớp kế thừa là có lỗi với tiền nhân

Ngày đăng:  19/03/2019

 
Lượt xem: 5580

Một bác sĩ trẻ từng chia sẻ: “Khi ra trường, tôi lựa chọn thi tuyển vào BV Nhi Đồng 2 vì nơi đây có chương trình đào tạo những người trẻ khá bài bản và tận tình. Tôi rất thích được học tập, làm việc trong những môi trường như vậy”. Đây cũng chính là động cơ để có cuộc phỏng vấn ngắn với TTƯT, BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 2 về công tác đào tạo, truyền lửa cho đội ngũ kế thừa của bệnh viện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những ngày cuối tháng 2, bệnh viện triển khai nhiều hoạt động cho năm mới 2019 nên sắp xếp lắm chúng tôi mới “bắt cóc” được người đứng đầu của bệnh viện để nghe bác sĩ Trịnh Hữu Tùng chia sẻ về nhiệm vụ đào tạo, truyền lửa cho những thế hệ kế tiếp - những người trẻ thế hệ 8X, 9X…

 

Thưa bác sĩ, được biết Ban Giám đốc BV Nhi Đồng 2 luôn chú trọng công tác chăm sóc, đào tạo đội ngũ kế thừa. Bác sĩ nghĩ gì về điều này?

Đây là một nhiệm vụ, hoạt động xuyên suốt của Ban Giám đốc và Phòng Kế hoạch Tổng hợp trong nhiều năm qua. Là một lãnh đạo, bản thân tôi đặc biệt rất quan tâm đến vấn đề này. Một bệnh viện lớn, có bề dày lịch sử, được người dân tín nhiệm như Nhi Đồng 2, nếu 5 năm, 10 năm, 20 năm mà không có đội ngũ kế thừa giỏi giang, nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm thì sẽ như thế nào. Các bậc tiền nhân đã có công hình thành, xây dựng nên thương hiệu của BV, các thầy cô đã trải qua rất nhiều thử thách, khó khăn để tạo lập, phát triển thương hiệu ấy trong lòng người dân. Chúng tôi là những người kế thừa, có nhiệm vụ phải làm tốt hơn để giữ vững và phát triển hơn nữa thương hiệu, giá trị của Nhi Đồng 2 được lan tỏa, khẳng định ở tầm khu vực. Vì thế, sau thế hệ chúng tôi, thế hệ thầy thuốc 8X và 9X là những người trẻ giỏi chuyên môn lẫn ngoại ngữ và năng động sẽ là lực lượng thay chúng tôi chinh phục tiếp những mục tiêu còn dang dở. Nếu chúng tôi về hưu mà không xây dựng được đội ngũ kế thừa xứng đáng thì thật có lỗi với tiền nhân.

Trong thực tế, chúng tôi đang có một lực lượng kế thừa trẻ trung, giỏi nghề, chịu khó, năng động. Trong tương lai, họ sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao cho BV Nhi Đồng 2. Tôi luôn tin chắc như vậy.

 

Tại BV Nhi Đồng 2, những bác sĩ trẻ được đào tạo bồi dưỡng, chia lửa như thế nào ạ, bác sĩ có thể chia sẻ chi tiết?

Một bác sĩ trẻ khi mới gia nhập vào đại gia đình Nhi Đồng 2 sẽ được đào tạo những kiến thức Nhi khoa cơ bản, bao quát nhất để họ có một nền tảng vững chắc về Nhi. Sau đó, họ sẽ được tiếp tục được đào tạo thực hành về các chuyên khoa sâu của Nhi, các kỹ năng lâm sàng tại các Khoa, nơi mình công tác và kể cả các khoa khác thông qua chương trình luân khoa. Các bác sĩ trưởng/phó Khoa, các bác sĩ đàn anh lớn sẽ là người hướng dẫn cho họ từ những điều nhỏ nhất, cho họ cơ hội để được thực hành lâm sàng trên từng trường hợp bệnh nhân. Chỉ bảo cho họ biết những gì cần làm và không nên làm. Các bác sĩ trẻ học hỏi chuyên môn từ những người đàn anh đi trước, chúng tôi không giấu diếm điều gì nếu họ thực tâm muốn học hỏi và trao dồi kỹ năng lâm sàng. Trong những ca trực, họ không hề đơn thương độc mã, luôn có những người đàn anh sẵn sàng đứng sau hỗ trợ, bọc lót cho họ dù ngày hay đêm, bất cứ khi nào họ cần.

Các bạn trẻ cũng có thể “học kinh nghiệm” tại các buổi giao ban, buổi họp rút kinh nghiệm, nơi mà từng ca nặng, phức tạp được đem ra mổ xẻ, phân tích đến tận cùng để tìm ra nguyên nhân, sai sót nếu có. Họ có để học hỏi thêm chuyên môn ở nhiều khoa khác.

Song song đó, họ còn được tạo điều kiện về các Trường Đại học (ĐHYD TP.HCM, ĐH YK Phạm Ngọc Thạch) để học lên chuyên khoa 1, cao học, chuyên khoa 2, nghiên cứu sinh; tham gia các chương trình hợp tác với các viện, trường của các nước như  Bỉ, Anh, Ai-len, Pháp, Úc, Mỹ... Thậm chí có em còn được cử đi học nghiên cứu sinh lên tiến sĩ ở nước ngoài, khi quay về, vẫn tiếp tục làm việc tại bệnh viện.

Ngoài đào tạo cho đội ngũ trẻ của bệnh viện, chúng tôi còn chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm, đào tạo cho các bác sĩ ở các tuyến trước cả lý thuyết lẫn thực hành thông qua các đề án 1816, bệnh viện vệ tinh… trong các lĩnh vực cấp cứu hồi sức nhi, cấp cứu hồi sức sơ sinh, tim mạch, phẫu thuật nhi khoa, gây mê nhi khoa…

Bên cạnh việc đào tạo cho các thế hệ trẻ của bệnh viện, trong nước, chúng tôi còn tham gia truyền đạt kinh nghiệm cho các em sinh viên nước ngoài về các bệnh lý nhiệt đới thông các chương trình hợp tác, trao đổi ngắn hạn, tất cả đều hết sức, hết mình. Chúng tôi không phân biệt là đào tạo cho mình hay cho bên ngoài vì suy cho cùng, tất cả cũng đều phục vụ cho bệnh nhân, cho những em bé nhỏ. Chữa bệnh, giành lại mạng sống cho bệnh nhân, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho các cháu mới là điều cao cả nhất mà chúng tôi hướng đến.

 

Bác có lời nhắn nhủ gì gửi đến những người trẻ đang có ước mơ một ngày nào đó sẽ được khoác áo blouse trắng trong ngôi nhà Nhi Đồng 2?

Thứ nhất, nếu bạn muốn chọn ngành y làm sự nghiệp đời mình, bạn phải là người có tâm để luôn làm những gì tốt nhất cho bệnh nhân, cho cộng đồng. Đừng chọn ngành y nếu bạn chỉ muốn làm giàu cho cho bản thân mình. Thứ nhì, bạn phải có đam mê vì nhi khoa là một lĩnh vực khó. Không như người lớn có thể nói, diễn tả hết  những triệu chứng của mình, nhiều bệnh nhân trẻ em chỉ thể hiện qua tiếng khóc và bác sĩ là người chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng lâm sàng, lời khai của phụ huynh, phải tự suy luận và đưa ra những phán đoán, tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Thứ ba, bạn phải đủ khỏe mạnh, cả thể xác lẫn tinh thần để có thể chịu được vô số áp lực của nghề, không nản chí để đi đến đích con đường mình đã lựa chọn.

 

Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ trong tinh thần một ngày 27/2 thật thiêng liêng và cao quý.

 

 

HƯƠNG CÁT

(Báo Sức khỏe & đời sống)

 

 

 

 

 

 

Đăng bởi: Hân Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác