Hi vọng dành cho trẻ em mắc bệnh động kinh
Ngày đăng: 16/01/2019
Lượt xem: 10234
Động kinh là một bệnh lý gây ra bởi những sóng điện bất thường ở não, tạo nên những cơn co giật. Nếu không được kiểm soát tốt, những cơn co giật lặp đi lặp lại sẽ gây ra tổn thương não và ảnh hưởng tới sự phát triển thần kinh của bệnh nhi.
Theo ước lượng, Việt Nam có khoảng 30 triệu trẻ em và 300.000 trẻ em trong số đó mắc bệnh động kinh. Hầu hết các bệnh nhi đều kiểm soát được cơn co giật bằng việc sử dụng thuốc chống động kinh đúng, đều đặn. Tuy nhiên, một số khác dù đã sử dụng thậm chí 3 hoặc 4 loại thuốc nhưng vẫn không thể kiểm soát được cơn co giật. Đây là một gánh nặng rất lớn cho gia đình đồng thời là niềm trăn trở của rất nhiều bác sỹ.
Làm sao để chẩn đoán đúng bệnh, đúng thời điểm và lựa chọn đúng cách can thiệp? Làm sao để điều trị dứt điểm cơn co giật hoặc ít nhất làm giảm tần số cơn co giật ở những bệnh nhi động kinh kháng thuốc? là những câu hỏi rất nhiều thế hệ thầy thuốc chuyên khoa thần kinh đặt ra và cố gắng tìm giải pháp.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tiếp nối dự án của Ts Bs Lê Thị Khánh Vân, nguyên trưởng khoa thần kinh, giảng viên trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Ts Bs Nguyễn Lê Trung Hiếu, giảng viên bộ môn thần kinh Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cùng Ths Bs Đặng Đỗ Thanh Cần, trưởng khoa ngoại thần kinh, giảng viên bộ môn ngoại thần kinh ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh đã cùng nhau tìm cách giải quyết những vấn đề trên. Một trong những giải pháp đã bắt đầu có kết quả chính là việc kết nối với các trung tâm y khoa hàng đầu từ Mỹ, Pháp trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và đào tạo nhân lực.
Bệnh viện Đại học Alabama- Hoa kỳ là một trong những trung tâm y khoa phát triển, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh lý động kinh và đang hỗ trợ rất nhiều cho bệnh viện trong thời gian qua.
Trong chuyến công tác kéo dài 1 tuần lần này, các giáo sư từ ĐH Alabama đã cùng với các đồng nghiệp Việt Nam tiến hành hội chẩn nhiều ca bệnh khó và tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về bệnh lý động kinh ở trẻ em.
Mở đầu, giáo sư, bác sỹ Brandon Rocque đã chia sẻ vai trò của phẫu thuật, một giải pháp cho động kinh kháng trị và là vấn đề rất nhiều đồng nghiệp quan tâm . GS Brandon chia sẻ, khi chọn lựa đúng đối tượng bệnh nhân, với sự phù hợp về đặc điểm cơn động kinh, đặc điểm điện não đồ và hình ảnh học não, phẫu thuật có khả năng thành công cao. Phẫu thuật trong điều trị bệnh động kinh có 2 dạng: điều trị dứt hẳn cơn động kinh (khỏi bệnh hoàn toàn) hoặc giảm tần số cơn (giảm nhẹ bệnh). Tùy theo đối tượng bệnh nhân mà mục đích của phẫu thuật sẽ là dứt bệnh hoàn toàn hoặc chỉ làm giảm nhẹ. Đây là một quá trình đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều bác sỹ từ các chuyên khoa khác nhau và có sự trao đổi rất chi tiết với thân nhân bệnh nhi về hiệu quả và nguy cơ của phẫu thuật.
Chuyên gia phân tích sóng điện não, Donald King Trei, trình bày cách nhận dạng và phân tích các sóng điện não ở trẻ em, một lĩnh vực rất khó và phức tạp. TS BS Nguyễn Lê Trung Hiếu kết thúc buổi hội thảo khi chia sẻ những vấn đề liên quan giữa động kinh và sốt cao co giật ở trẻ nhỏ với nhiều tình huống lâm sàng thường gặp và cách xử trí phù hợp nhất hiện tại.
Với sự hỗ trợ của các giáo sư từ Hoa kỳ và Pháp, khoa ngoại thần kinh bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành phẫu thuật điều trị động kinh trong vài năm nay. Bước đầu các ca phẫu thuật đều đạt hiệu quả mong đợi và nguy cơ của phẫu thuật thấp. Trong khuôn khổ chuyến công tác này, 2 trung tâm phối hợp phẫu thuật 4 trường hợp động kinh kháng trị. Thời gian sắp tới, số trường hợp phẫu thuật sẽ được tiến hành nhiều hơn trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ nội- ngoại thần kinh và các giáo sư từ Hoa kỳ, Pháp. Bên cạnh đó, các bác sỹ từ Nhi đồng 2 sẽ tiếp tục được gửi đi đào tạo trực tiếp tại Hoa kỳ để nâng cao trình độ chuyên môn.
Có mặt trong buổi hội thảo, Ths Bs Phạm Ngọc Thạch, phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 đã có những lời chia sẻ, cảm ơn sự giúp đỡ của các đồng nghiệp quốc tế, đặc biệt là Bệnh viện Đại học Alabama, hơn 100 đồng nghiệp từ mọi miền đã về tham dự. Hi vọng cả 2 trung tâm sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ đã được xác lập chính thức bằng việc ký kết bản ghi nhớ trong năm 2018 nhằm giúp BV Nhi đồng 2 trở thành một trung tâm nhi khoa chuyên sâu về điều trị các bệnh lý thần kinh mà hiện tại là phẫu thuật điều trị bệnh lý động kinh trẻ em, qua đó mang lại thêm niềm hi vọng cho bệnh nhi động kinh kháng trị. BS Thạch nhấn mạnh mục tiêu của BV Nhi đồng 2 là trở thành trung tâm nhi khoa hàng đầu Việt Nam và hướng tới vươn tầm khu vực.
GS Brandon đang thảo luận các ca bệnh cùng TS.BS Nguyễn Lê Trung Hiếu, ThS.BS Dặng Đỗ Thanh Cần cùng các đồng nghiệp
Các chuyên gia đang phân tích bản ghi sóng điện não-một phần rất quan trọng trong khâu chẩn đoán bệnh
ThS.BS Phạm Ngọc Thạch-Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 gặp gỡ và cảm ơn sự giúp đỡ của các đồng nghiệp từ Đại Học Alabama-Hoa Kỳ
ThS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần bắt tay chào TS.BS Lê Thị Khánh Vân-Nguyên trưởng khoa Thần Kinh-giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người đã và đang dành rất nhiều tâm huyết cho bệnh nhi động kinh
TS.BS Nguyễn Lê Trung Hiếu-TK Thần Kinh-Giảng viên bộ môn thần kinh Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh dẫn chương trình hội thảo đồng thời là Báo cáo viên
Hội thảo có giảng viên Đại học Y Dược Hà Nội cùng tham gia và trao đổi
Các đồng nghiệp chụp ảnh lưu niệm đánh dấu một ngày cập nhật nhiều kiến thức bổ ích và mở ra nhiều hi vọng cho bệnh nhi động kinh
Th.BS Đặng Đỗ Thanh Cần tham gia mổ cùng các GS Đại Học Alabama
Tác giả bài viết: BS Lê Quang Mỹ-Khoa Ngoại Thần KInh
Đăng bởi: Phòng Chỉ Đạo Tuyến
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024