Thực hiện thành công phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt thùy dưới phổi phải chứa mô phổi biệt trí tại bệnh viện Nhi Đồng 2
Ngày đăng: 02/10/2017
Lượt xem: 8801
Bé N.M.A, bé gái, 2 tuổi, bị tình trạng lõm ngực nặng, thể trạng gầy gò và thường xuyên bị viêm phổi tái đi tái lại. Nghi ngờ có bất thường bẩm sinh ở phổi kèm theo, các Bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 đã cho chụp phim CT-scan ngực và phát hiện tổn thương phổi biệt trí nằm trong thùy dưới phổi phải, một dị tật bẩm sinh tương đối hiếm. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm phổi tái phát nhiều lần khiến bé chậm lớn chứ không phải do tình trạng lõm ngực nặng.
Theo Ths.BS Vũ Trường Nhân, phó khoa Ngoại tổng hợp và cũng là trưởng nhóm phẫu thuật lồng ngực, thuật ngữ “phổi biệt trí” hay còn gọi là “phổi biệt lập” (tiếng anh là “sequestration”) dùng để chỉ một khối mô phổi không có chức năng hô hấp có đặc điểm là được cấp máu riêng bởi mạch máu xuất phát từ động mạch chủ. Phổi biệt trí được chia làm 2 loại: phổi biệt trí trong thùy phổi lành(chiếm đa số, 80%) và phổi biệt trí ngoài thùy phổi. Phẫu thuật cắt thùy phổi chứa mô phổi biệt trí ở trẻ emsẽ khó hơn cắt thùy phổi bệnh lý thông thường vì BS phẫu thuật phải kiểm soát các mạch máu xuất phát từ động mạch chủ (mạch máu lớn nhất của cơ thể), chỉ cần sơ xuất gây tổn thương sẽ khiến bệnh nhi mất lượng máu lớn trong trong vài giây vô cùng nguy hiểm. Trước đây phẫu thuật này luôn được thực hiện bằng đường mở ngực rất lớn cắt nhiều cơ thành ngực, thậm chí cắt luôn xương sườn để lại cho bệnh nhi nhiều đau đớn sau mổ, cùng với vết sẹo mổ rất lớn và xấu ở ngực và hơn nữa còn gây biến dạng lồng ngực vì trẻ đang trong quá trình phát triển. Vì vậy hiện nay trên thế giới, phẫu thuật nội soi lồng ngực đã được áp dụng rộng rãi để cắt thùy phổi bệnh lý ở trẻ em nhằm hạn chế các biến chứng nói trên. Tuy vậy, dù mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhi nhưng mức độ khó khăn của phẫu thuật nội soi cũng như gây mê lại tăng lên rất nhiều lần so với kỹ thuật mổ mở thông thường như trước đây.
Ngày 28/08/2017 vừa qua, các BS phẫu thuật lồng ngực của BV NĐ2 lần đầu tiên đã thực hiện thành côngphẫu thuật nội soi lồng ngực cắt bỏ thùy dưới phổi phải chứa mô phổi biệt trí cho bệnh nhi nói trên. Ê kíp mổ vui mừng cho biết, mặc dù ca mổ khó khăn hơn dự kiến do tình trạng viêm nhiễm gây chảy máu nhiều nhưngchúng tôi đã làm chủ được hoàn toàn kỹ thuật mổ nhờ vào sự chuẩn bị kỹ các phương án phẫu thuật và sự phối hợp nhịp nhàng của BS gây mê và BS hô hấp trong việc thực hiện thông khí một phổi giúp tạo thuận lợi cho cuộc mổ. Bệnh nhi đã hồi phục hoàn toànvà xuất viện 5 ngày sau mổ.
Ths.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám Đốc, phụ trách khối ngoại BV Nhi Đồng 2, nhận định việc thực hiện thành công phẫu thuật nội soi trên trường hợpcó tình trạng lõm ngực nặng kèm theo như bệnh nhi trêncó một ý nghĩa lớn chobệnh nhi vì sau này khi thực hiện phẫu thuật tạo hình lồng ngực sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với nếu có đường mổ mở ngực lớn. BS Thạch cũng cho biết thêm BV Nhi Đồng 2 hiện là một trung tâm chuyên sâu về nhi khoa đã thực hiện thành công rất nhiều ca mổ khó, điển hình như ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính nhau vùng cùng cụt phức tạp vừa qua, và chúng tôi vẫn không ngừng nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhi tại Việt Nam.
Một số hình ảnh
Hình ảnh ê kíp phẫu thuật
Hình ảnh của bệnh nhi trước khi xuất viện
Nguồn: BS.CK2 Trương Anh Mậu-Phó khoa Bỏng CTCH
Đăng bởi: ThS.Văn Thị Thùy Linh
Các tin khác
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024