Bấm vào hình để xem kích thước thật

Phẫu thuật thành công một trường hợp u phổi hiếm gặp ở trẻ em

Ngày đăng:  31/07/2017

 
Lượt xem: 6963

Bệnh nhi nam A.K, 12 tuổi, quê ở Kontum thường xuyên đau tức vùng ngực phải, hay bị ngất, thể trạng gầy gò, da xanh xao thiếu máu.

Qua thăm khám lâm sàng và phim chụp cắt lớp điện toán lồng ngực, các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phát hiện một khối u rất lớn nằm ở thùy dưới phổi phải chiếm hơn ½ khoang lồng ngực, chèn ép vào tim và choán chỗ gần hết lồng ngực của bệnh nhi. Ngoài ra, khối u có biểu hiện đang phát triển nhanh, tăng tưới máu dữ dội khiến bệnh nhi luôn trong tình trạng thiếu máu, hay bị ngất và không thể lên cân được.

 

Qua hội chẩn liên chuyên khoa ung bướu và hình ảnh học, các bác sĩ nhận định đây là một khối u đặc ở phổi rất lớn và khó xác định bản chất. Do đó, phẫu thuật cắt trọn thùy phổi chứa u là lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhi.

 

Hình cắt lớp điện toán lồng ngực ghi nhận khối u lớn ở phổi

 

ThS.BS Vũ Trường Nhân, phó khoa Ngoại tổng hợp - người trực tiếp mổ chính cho bệnh nhi chia sẻ: U phổi ở trẻ em rất hiếm gặp, dễ chẩn đoán lầm và khối u phổi lớn đến như vậy ở trẻ em thì trong 20 năm làm về lĩnh vực phẫu thuật nhi anh mới gặp lần đầu.

Phẫu thuật cắt phổi ở trẻ em vốn đã là một phẫu thuật khó đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo tỉ mỉ của bác sĩ phẫu thuật vì khoang lồng ngực của trẻ rất nhỏ mà khối u lại rất lớn, hơn nữa trong trường hợp này các bác sĩ gây mê lại không thể làm xẹp phổi phải của bệnh nhi trong lúc phẫu thuật vì nguy cơ cao gây suy hô hấp. Tất cả điều này gây trở ngại rất lớn cho việc phẫu thuật cắt u vì chỉ một sơ suất nhỏ gây chảy máu có thể phải dừng cuộc mổ và để lại khối u ở đó hoặc nguy hiểm hơn là có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhi – BS. Nhân trăn trở về tình trạng bệnh nhi trước khi vào ca mổ phức tạp này.

 

Hình khối u khi mới mở khoang lồng ngực phải

 

Tuy nhiên, sau 3 tiếng đồng hồ căng thẳng, bệnh nhi mất hơn 500ml máu, khối u có kích thước khoảng 10x10 cm (cân nặng 1,2 kg) đã được loại bỏ trong sự vui mừng của cả ê kíp. BS. Nhân cho biết thêm, khối u dính vào vùng trung thất nhiều hơn dự tính, các vị trí mạch máu lớn như động mạch phổi và tĩnh mạch phổi đều bị che dấu tạo thành những cái bẫy rất nguy hiểm trong lúc phẫu thuật. Ngoài ra, ê kíp phẫu thuật còn phải thực hiện cuộc mổ càng nhanh càng tốt vì các mạch máu trên khối u chảy máu rất nhiều trong quá trình phẫu thuật. Sau mổ bệnh nhi đã hồi phục tốt, phổi phải nở toàn bộ, hết ngay tình trạng đau ngực và xuất viện sau 7 ngày.

 

Khối u sau khi cắt  bỏ

 

Đáng mừng nhất là kết quả giải phẫu bệnh cho biết đây là khối u nguyên bào sợi cơ viêm ở phổi. Đây là một loại u lành tính hiếm gặp nhưng có những đặc tính của u ác như xâm lấn tại chỗ và tái phát cao (nếu cắt không trọn u). Việc mổ thành công những trường hợp u bướu phức tạp, nằm ở những vị trí nguy hiểm đã minh chứng rõ nhất sự thành công của việc thành lập khoa Ung bướu Huyết học tại bệnh viện dù mới chỉ mới có 7 năm tuổi.

 

Tác giả bài viết: BS. Trương Anh Mậu - Phó khoa Bỏng chỉnh trực

 

 

Đăng bởi: Nguyễn Thị Thu Hân

[Trở về]

Các tin khác