Bệnh trào ngược bàng quang – niệu quản ở trẻ em
Ngày đăng: 20/01/2014
Lượt xem: 13803
Khoa Niệu bệnh viện Nhi đồng 2 vừa triển khai điều trị chích chất Deflux chống trào ngược cho bệnh nhân thứ 3 có bệnh lí trào ngược bàng quang niệu quản. Điểm mới của lần điều trị này là bệnh nhân được điều trị cả hai bên niệu quản bị tổn thương.
ThS.BS. Phạm Ngọc Thạch cho biết, ngày 12-1, bệnh nhi N.T.T 6 tuổi, ngụ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau bụng dạng táo bón, nước tiểu không đục, không hôi. Nhưng khi siêu âm thì kết quả cho thấy hai niệu quản giãn, đặc biệt là bên trái giãn rất to. Cả hai thận đều bị tổn thương, nhất là một bên thận trái đã bị teo, xơ sẹo, chức năng của thận trái chỉ còn 28%. Thận bên phải có tổn thương nhưng ít hơn, giảm khoảng 5% chức năng.
Qua một số phim ảnh và khai thác tiền sử bệnh các bác sĩ chẩn đoán có trào ngược bàng quang – niệu quản hai bên. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cắm lại niệu quản vào bàng quang để ngăn cản sự trào ngược nước tiểu, tuy nhiên thay vì được phẫu thuật bằng phương pháp thông thường, bé N.T.T được tiếp cận phẫu thuật ít xâm lấn bằng việc chích chất keo sinh học chống trào ngược qua phương pháp nội soi qua đường tiểu dưới. Kíp phẫu thuật đã bơm chất keo đặc biệt (Deflux) để làm hẹp lại lỗ đổ của niệu quản vào bàng quang, từ đó hạn chế sự trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận. Đây là phương pháp điều trị niệu khoa mới dành cho bệnh lý này và được áp dụng lần đầu tiên ở miền Nam tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Đây là trường hợp thứ ba áp dụng kỹ thuật này tại bệnh viện nhưng là ca đầu tiên bị trào ngược cả hai bên và được chích chất Deflux cả hai bên. Kỹ thuật chích Deflux này ít xâm lấn, ít để lại biến chứng, không để lại sẹo, về trong ngày và không phải ở lại ít nhất là 7 ngày trong bệnh viện kèm theo mang ống thông tiểu như phương pháp phẫu thuật mổ mở trước đây.
Có khuynh hướng tăng lên so với những năm trước 2011, 2012, năm 2013, Khoa Niệu bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận điều trị khoảng 15 trường hợp trẻ bị trào ngược bàng quang – niệu quản. Việc chẩn đoán trước sinh cũng như sự quan tâm của quí vị phụ huynh góp phần phát hiện sớm cũng như những trường hợp trào ngược tiềm ẩn không triệu chứng. Ghi nhận số ca nặng (trào ngược độ 4 – 5) trong năm 2013 chiếm 20%. Giải pháp điều trị với trường hợp nhẹ (độ 1 – 2) là cho trẻ uống thuốc kháng sinh dự phòng, không phẫu thuật. Nhưng với trường hợp nặng thì thường được chỉ định phẫu thuật nếu như điều trị nội khoa thất bại, chỉnh sửa lại sự bất thường giữa bàng quang và niệu quản, làm dài hơn đoạn niệu quản chạy trong thành bàng quang để khi bàng quang đầy, nước tiểu không trào ngược lên niệu quản.
Khi trẻ đau bụng, ba mẹ cứ nghĩ là do rối loạn tiêu hóa, giun sán hoặc khi thấy trẻ rặn tiểu hoặc sốt của một rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ cũng cho là bình thường. Trong khi đó, đây là những biểu hiện của nhiễm trùng đường tiểu. Thông thường, khi bị nhiễm trùng đường tiểu, trẻ sẽ có những biểu hiện rõ ràng như nước tiểu đục, hôi, bị sốt, đi tiểu đau rát nhưng có những trẻ, triệu chứng rất mơ hồ, âm thầm: chỉ đau bụng thoáng qua, tiêu chảy (đặc biệt ở trẻ nhỏ), nước tiểu vẫn không đổi màu, trẻ không sốt, các triệu chứng diễn ra âm thầm. Và cùng với những biểu hiện này, bé đã bị nhiễm trùng đường tiểu trên, sẽ gây sẹo thận dần. Nếu áp lực nước tiểu từ bàng quang lên thận quá cao sẽ làm giảm tưới máu các đơn vị thận cũng sẽ gây sẹo thận mà không cần phải có vi trùng trong nước tiểu.
Nguyên nhân của bệnh trào ngược bàng quang – niệu quản nguyên phát, là do sự bất thường nội tại về giải phẫu học đoạn niệu quản cắm vào bàng quang. Thay vì nó thực hiện vai trò như một cái van đóng lại khi bàng quang đổ đầy nước tiểu thì nó lại cứ mở. Bệnh lý này thường được phát hiện trong năm đầu tiên trẻ mới ra đời Nhưng chúng ta có thể biết trước được khi siêu âm tiền sản nếu thai nhi có các dấu hiện như niệu quản giãn, thận ứ nước, bể thận giãn… thì sản phụ nên khám tiền sản bác sĩ Niệu Nhi để biết được thời gian chính xác sau khi sinh sẽ làm gì tiếp theo, xét nghiệm và siêu âm khi nào để có hướng điều trị phù hợp, kịp thời cho trẻ. Nếu siêu âm trước sanh có hình ảnh dãn niệu quản hai bên, sau khi sinh, người mẹ phải đưa trẻ đi tầm soát để xem có hiện tượng trào ngược bàng quang – niệu quản hay không. Đối với bệnh lí này trẻ gái hay bị hơn trẻ trai.
Trẻ quá nhỏ (dưới 1 tuổi) thì có triệu chứng bị tiêu chảy còn trẻ lớn hơn một chút thì tiểu đục, tiểu đau, rát, sốt. Cha mẹ đừng tự mua thuốc kháng sinh cho bé uống, đừng chủ quan nghĩ là viêm bàng quang bình thường”, Nguy hiểm ở đây là nếu cha mẹ chủ quan hoặc thờ ơ để đến khi phát hiện ra quá trễ thì thận của trẻ đã bị teo, suy giảm chức năng. Vì cứ mỗi lần trẻ tiểu đau, sốt là một lần trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu nhưng gia đình không biết, đi mua thuốc về, uống vô thấy hết nhưng đó đã là một lần thận bị mất đi 5% chức năng. Và sau 5 lần uống thuốc thì thận đã mất đi 50% chức năng! Có trường hợp trẻ mới 7 – 8 tuổi vào với tình trạng trào ngược bàng quang – niệu quản, cả hai thận đã bị mất chức năng, phải chạy thận nhân tạo và chờ ghép thận!
Cha mẹ phải lưu ý vì nhiễm trùng đường tiểu không đơn thuần điều trị là hết mà sẽ để lại di chứng nặng nề: sẹo thận, chức năng thận suy giảm và nặng nề hơn là thận bị mất chức năng. Khi thận đã suy giảm chức năng thì không thể phục hồi lại được 100%. Khảo sát ở những trẻ bị trào ngược bàng quang niệu quản có sẹo thận, khoảng 20% bị cao huyết áp.. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây cao huyết áp ở trẻ.
Đăng bởi: CN.Thiên Phước - Phòng Kế hoạch tổng hợp
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024