Tách dính thành công ca song sinh dính nhau
Ngày đăng: 28/11/2013
Lượt xem: 7845
Ngày 26 tháng 11 năm 2013, bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành tách dính thành công hai bé Nguyễn Hoàng Phi Long và Nguyễn Hoàng Phi Phụng. Đây là một kết quả đáng khích lệ cho nỗ lực của toàn bộ ê kíp mổ cũng như sự ủng hộ của Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, lãnh đạo bệnh viện, gia đình và các tổ chức. Công tác chuẩn bị tốt, sự phối hợp nhuần nhuyễn trong lúc mổ của toàn bộ ê kíp là các bác sĩ, nhân viên y tế đã khẳng định tính chuyên nghiệp cũng như một bước tiến mới trong y học. Chúng tôi, những người tham gia trong ca mổ, xin tóm tắc một số thông tin liên quan ca mổ lịch sử này.
Trong thời gian mang thai chị Nguyễn Thị Hồng Lam, mẹ của hai bé, được phát hiện con mình là song sinh dính nhau qua siêu âm thai lúc 25 tuần. Sau đó hai bé được sanh mổ vào ngày 25/09/2012 lúc 36 tuần tuổi thai và cân nặng của cả 2 bé lúc sanh là 3,8kg. Sau sanh hai bé bị suy hô hấp và được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, qua 14 tháng nuôi dưỡng, điều trị, đánh giá mức độ dính và khả năng chịu đựng cuộc phẫu thuật của hai bé cũng như chuẩn bị nhân lực, phương tiện cho ca mổ thì đến ngày 26/11/2013, ca mổ tách dính hai bé Phi Long-Phi Phụng được tiến hành. Cân nặng của hai bé lúc này là 12,5kg.
Đánh giá trước mổ đây là một ca song sinh dính nhau ngực bụng phức tạp vì các hình ảnh CT, siêu âm cho thấy hai bé dính gan và có khả năng dính tim.
Để kịp thời cho công tác chuẩn bị, hai bé được chuyển lên phòng mổ gây mê lúc 6 giờ 30 phút sáng ngày 26/11/2013. Đến 9 giờ 30 phút ca phẫu thuật bắt đầu. Ca mổ này có sự tham gia của 70 nhân viên y tế bao gồm các bác sĩ, ê kíp gây mê, dụng cụ, hồi sức của bệnh viện Nhi đồng 2, viện Tim thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm chấn thương chỉnh hình.
Sau đây là một số hình ảnh diễn biến của ca tách dính này.
Hai bé được chuyển lên phòng mổ, tiến hành gây mê, sát trùng da.
Rạch da, cẩn thận đánh giá các cơ quan dính để chọn phương án phù hợp.
Về phần bụng thì hai bé dính nhau ở gan trái, đường kính chổ dính là 8cm. Các bác sĩ Ngoại nhi tiến hành tách phần gan dính với trang thiết bị, dụng cụ, máy cắt gan CUSA, máy Argon hiện đại so với thế giới. Phần tách gan dính cần đánh giá được mạch máu, đường mật thật kỹ lưỡng. Diện tách không được phạm vào đường mật và các mạch máu lớn. Gan được tách ra từng phần nhỏ đến khi vị trí dính cuối cùng được tách rời.
Đánh giá phần ngực cho thấy tĩnh mạch chủ trên trái của bé Phi Phụng đổ vào tâm thất phải của bé Phi Long. Sau khi tiên lượng các khả năng xảy ra, các bác sĩ tiến hành tách phần tim dính. Trong quá trình tách tim, do hai tim dính sát nhau nên thường chèn ép tim, thỉnh thoảng phải dừng lại chờ cho tim phục hồi hoạt động trở lại mới tiếp tục ca mổ.
Tách xong gan và tim, chuẩn bị tách phần ngực bụng phía sau
Sau khi hai bé được tách rời hoàn toàn, bé Phi Long được chuyển sang phòng mổ bên cạnh để đóng ngực và bụng.
Do bé Phi Phụng có khoảng hở lồng ngực và thành bụng lớn nên không thể đóng ngay trong lúc mổ. Chúng tôi phải dùng tấm Gore-tex nhân tạo và khung kéo cân, cơ, da. Bé Phi Phụng sẽ được đóng ngực bụng trong vòng vài ngày tới khi phần cân, cơ và da được kéo giãn đủ lớn.
Ca mổ hoàn thành lúc 15 giờ 15 phút với bé Phi Long và 16 giờ 20 phút đối với bé Phi Phụng. Sau một ngày theo dõi tại khoa Hồi sức bệnh viện Nhi đồng 2, tình hình sức khỏe hai bé hiện ổn định.
Như vậy sau gần 8 giờ phẫu thuật, hai bé đã được trả về với hình hài con người bình thường. Một cái kết đẹp cho một câu chuyện ly kỳ. Chúng tôi rất vui mừng và hy vọng đây là một bước tiến mới cho y học nói chung và thành tựu của bệnh viện Nhi đồng 2 nói riêng.
Đăng bởi: BS Vương Minh Chiều, khoa ngoại tổng hợp
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024