Nỗi đau do cắt lễ
Ngày đăng: 17/10/2013
Lượt xem: 10913
Bé D.P.T, 14 tuổi, nhà ở Bình thuận, nhập viện trong tình trạng nguy kịch: sốt cao, mạch và huyết áp không đo được , chân trái sưng căng cứng, sưng to, các đầu ngón chân tím đen, không cử động được.
Theo lời người nhà thì bé sau khi chăn bò về có than mệt và đau đùi trái. Người nhà có cho bé đi cắt lễ bằng lưỡi lam quanh đùi với ý nghĩ thoát máu dơ để đùi hết đau. Không ngờ, 1 ngày sau cắt lễ, bé sốt cao, không ăn uống được và đùi bên cắt lễ sưng to, căng bóng. Khi đến bệnh viện Nhi đồng 2 thì bé đã rơi vào hôn mê. Tại khoa cấp cứu, bé đã được chăm sóc tích cực giành lấy sự sống. Bé sau đó được chuyển vào khoa hồi sức tích cực để chăm sóc tiếp sau khi đã trải qua 5 lần mổ cắt lọc và thoát dịch mủ ở đùi, cẳng chân và cắt hết các đốt ngón chân đã bị hoại tử. Hiện bé đã hồi tỉnh, ăn uống được nhưng vẫn còn rất yếu và vẫn phải tiếp tục sử dụng kháng sinh liều cao điều trị. Bác sĩ Võ Quốc Bảo, trưởng khoa hồi sức, cho biết trường hợp này là một điển hình về sốc nhiễm trùng do cắt lễ với dụng cụ không vô trùng. Khi cắt lễ với các dụng cụ không vô trùng thì vô tình người cắt lễ đã mang vi trùng trực tiếp lây nhiễm vào đường máu của bé, gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết, từ đó tạo thành sốc nhiễm trùng và đưa đến hậu quả như trên: hôn mê, sốt cao, tắc mạch đầu chi gây hoại tử đầu chi và nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời. Ở các vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện đến các cơ sở y tế, khi bị bệnh, người dân rất thường sử dụng phương pháp cạo gió, cắt lễ để chữa bệnh cho nhau. Tuy nhiên, tập quán cắt lễ này luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng rất cao nếu các dụng cụ như lưỡi dao lam, mảnh thủy tinh…dùng cắt lễ không được vô trùng đúng. Do đó, cần hết sức chú ý và thận trọng khi sử dụng phương pháp này.
bàn chân hoại tử của bé
Đăng bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024