Bấm vào hình để xem kích thước thật

Bị to nhỏ phần dưới bìu ở bé trai .

Ngày đăng:  23/08/2010

 
Lượt xem: 12678

Câu hỏi:

Thưa bác sỹ, con tôi dạo này hay than đau phần bìu trái, nhất là khi chạy nhảy chơi thể thao, khi nằm nghỉ ngơi thì bớt đau nhiều. Nhìn vào phần dưới bìu có cảm giác bên trái to hơn bên phải và thấy vẻ có  đường hằn lên như mạch máu và sờ thấy lung nhùng. Cháu năm nay 8 tuổi, tôi có chụp tấm hình xin bác sỹ xem giúp và tư vấn dùm. Xin cám ơn bác sỹ.( mẹ Như Ý, Tân Bình)

Trả lời:

Qua miêu tả và trên hình, con của chị rất có thể bị dãn tĩnh mạch tinh. Đó là hiện tượng giãn bất thường đám rối tĩnh mạch tinh. Bệnh gặp chủ yếu là bên trái do cấu trúc giải phẫu học thuận lợi  và trẻ trên 10 tuổi. Đây là nguyên nhân quan trọng gây vô sinh ở nam giới, vì vậy cần phải chẩn đoán  và điều trị sớm.

Về nguyên nhân là hệ thống van trong tĩnh mạch tinh không hiệu quả dẫn đến máu trào ngược từ tĩnh mạch thận trái vào đám rối tĩnh mạch tinh.

Khi giãn tĩnh mạch tinh sẽ làm giảm thể tích tinh hoàn, mức độ giãn càng nặng thì thể tích tinh hoàn càng giảm. Bên cạnh đó mô tinh hoàn cũng bị tổn thương, ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất tinh trùng. Các tinh trùng có khuynh hướng di động kém, giảm sự trưởng thành và đậm độ tinh trùng giảm. Nhiệt độ bên tinh hoàn bị dãn tĩnh mạch thừng tinh có khuynh hướng cao hơn bên đối diện, chính điều này làm tổn thương tinh hoàn và làm giảm nồng độ hormone sinh dục nam Testosteron. Tất cả các điều này đều dẫn đến hậu quả vô sinh về sau.

Về chẩn đoán, ở người lớn  có dãn tĩnh mạch thừng tinh thường đến khám vì nguyên nhân vô sinh, tuy nhiên ở trẻ em thì triệu chứng thường mơ hồ, đau nhẹ hoặc khó chịu vùng bìu. Trong các trường hợp nặng các mạch máu dưới da ở bìu giãn to hằn lên dưới da.

Giãn tĩnh mạch tinh chia làm 3 mức độ:

Độ 1: giãn nhẹ, phải sờ nắn thăm khám kỹ mới phát hiện

Độ 2: giãn ở mức trung bình, kích thước từ 1-2 cm, dễ dàng sờ nắn thấy.

Độ 3: tĩnh mạch dãn to ngoằn nghèo dưới da bìu

Theo bảng chia mức độ trên thì con chị có thể ở độ 2, chị nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm

Về mặt điều trị: có chỉ định phẫu thuật khi dãn tĩnh mạch tinh gây đau, khó chịu khi sinh hoạt, hoặc làm giảm thể tích tinh hoàn. Hiện nay có thể áp dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị dãn tĩnh mạch tinh. Chúc chị và bé luôn khỏe.

Trả lời bởi: Ths.Bs.Phạm Ngọc Thạch

[Trở về]

Các tin khác