Cả một đời tận tâm với nghề
Ngày đăng: 02/05/2018
Lượt xem: 13926
Lừng danh trong giới y khoa Việt Nam và quốc tế, nay đã ở độ tuổi 'thất thập cổ lai hy' nhưng những cây đại thụ của ngành y - Giáo sư Trần Đông A, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng và Giáo sư Văn Tần - vẫn ngày ngày miệt mài tận tâm với công việc, hết lòng với ngành y tế TPHCM và cả nước.
Sẽ cống hiến cho y học đến hơi thở cuối
Gặp Giáo sư Trần Đông A trong một ngày cuối tháng 4, khi ông đang tất bật khám bệnh, tư vấn tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ấn tượng khi gặp ông là dù lớn tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn và tinh anh. May mắn hiếm hoi gặp đúng ngày ông “có nhiều hơn một chút thời gian rảnh rỗi”, thế nên câu chuyện về ông, về những cống hiến cho y học nước nhà được ông kể lại trọn vẹn bằng chất giọng nhẹ nhàng và nụ cười hiền hậu.
Gắn bó với nền y khoa Việt Nam cùng những thăng trầm thời cuộc, vị bác sĩ quê Hải Hậu (Nam Định) đã ghi dấu ấn với những ca mổ dã chiến tại nhiều mặt trận trước khi về công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Giáo sư Trần Đông A đã làm thay đổi toàn bộ cái nhìn của thế giới về y học Việt Nam khi thực hiện ca tách cặp song sinh dính liền Việt - Đức, đây cũng chính là mốc son quan trọng của cuộc đời vị giáo sư này. Ông nhận được nhiều lời mời ra nước ngoài làm việc, nhưng ông đều từ chối và kiên quyết ở lại với câu nói khiến nhiều người xúc động: “Vì trẻ em Việt Nam cần tôi”.
Những cống hiến của Giáo sư bác sĩ Trần Đông A cho y học đã được thế giới biết đến. Ông cùng đoàn đại biểu quốc hội nước ta thăm Quốc hội Mỹ, rồi tham gia trong đoàn lãnh đạo cấp cao của Thủ tướng Phan Văn Khải thăm các nước Mỹ, Canada và Nhật… như một đại sứ của sự hòa hợp dân tộc. Ông đã chứng minh cho chính sách hòa giải dân tộc, đổi mới, hòa nhập của Việt Nam. Với gần 50 năm phục vụ trong nghề, Giáo sư Trần Đông A đã cống hiến hết mình để bù đắp những đau thương mất mát của nhân dân, hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại. Ông đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ở tuổi 77, ông vẫn giữ nếp sinh hoạt ngủ sớm và thức dậy từ 3 giờ sáng để làm việc, nghiên cứu. Sau đó, ông đi tập thể dục, rồi tự chạy xe vào bệnh viện thăm bệnh, hỗ trợ hoặc trực tiếp cầm dao mổ những ca khó. Thậm chí, những ca ghép gan kéo dài hơn 10 giờ, ông vẫn túc trực điều phối, góp ý cho các bác sĩ của kíp phẫu thuật. Ngoài ra, một tuần ông có hai buổi lên lớp truyền nghề cho học trò.
http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/chuyen-muc/ca-mot-doi-tan-tam-voi-nghe-cmobile1780-5510.aspx
http://www.sggp.org.vn/ca-mot-doi-tan-tam-voi-nghe-516078.html
https://baomoi.com/ca-mot-doi-tan-tam-voi-nghe/c/25855107.epi
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
TRI ÂN NHỮNG NGƯỜI THẦY 20/11/2021
'Cuộc chiến' sau 0 giờ của các Bác sĩ 10/03/2019