Cuộc đại phẫu tách đôi song sinh 'không thể nhìn vào mắt nhau'
Ngày đăng: 06/10/2017
Lượt xem: 12437
Đôi song sinh dính nhau vùng cùng cụt, 40 nhân viên y tế, hơn 11 giờ và hàng loạt quyết định khó khăn, hai cuộc đời mới được tạo ra.
“Nếu bắt buộc, chúng ta chấp nhận ưu tiên cho bé có chức năng thần kinh tốt hơn là Bảo Hân, hy sinh Bảo Ân được không?”.
Câu hỏi được đưa ra từ phòng phẫu thuật của Bệnh viện Nhi Đồng 2 đầu giờ chiều 23/8. Trong phòng mổ khi đó, là cặp song sinh dính nhau vùng cùng cụt đầu tiên của Việt Nam trong vòng 40 năm qua. Hai em bé dính nhau vùng dưới thắt lưng, ở tư thế đấu lưng với nhau.
Cố vấn của ca mổ, giáo sư Đông A, đã 76 tuổi, đang ngồi trước hai màn hình lớn để theo dõi. Ông là "nhạc trưởng" của cuộc mổ Việt Đức vang danh thế giới 29 năm về trước.
Ca mổ đang rơi vào những tình huống phức tạp nhất trong dự liệu.
Vị giáo sư kiên quyết: “Cho đến khi nào không thể xác định cấu trúc giải phẫu mới bất đắc dĩ phải thế, cần bình tĩnh bóc tách để xác định dây thần kinh từng bé”.
Lịch sử y văn thế giới mới chỉ chứng kiến 28 ca song sinh dính vùng cụt. Dưới dao mổ của họ trong khoảnh khắc ấy, là trường hợp thứ 29.
Những đóa hoa vàng - đỏ
Sớm ngày 23/8, trời Sài Gòn dịu mát. Tại khu phòng mổ lớn nhất bệnh viện, ê kíp hơn 40 y bác sĩ chia nhau những bông hoa với hai màu vàng và đỏ.
Chúng được dán vào nón mổ, trang phục cũng như các vật dụng, trang thiết bị, dịch truyền, máy móc... Đây là việc làm quen thuộc trong các cuộc mổ tách song sinh tại nơi này - được duy trì từ thời mổ tách cặp song sinh Việt Đức năm 1988. Nhóm nhân sự, trang thiết bị dán mỗi màu tức là chịu trách nhiệm một bé.
Hai bé gái Bảo Ân, Bảo Hân chào đời tháng 7/2016 tại Bình Phước, dính nhau vùng cột sống thắt lưng và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau quá trình điều trị và chuẩn bị kéo dài hơn một năm, các y bác sĩ quyết định mổ tách. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc bệnh viện chỉ đạo tạm hoãn nhiều ca mổ trong ngày để nhường lực tập trung cuộc đại phẫu.
Đêm trước mổ, bác sĩ Đặng Đỗ Thanh Cần không tránh khỏi trằn trọc, như hầu hết mọi người trong ê kíp.
Do phần dính liền liên quan đến tủy sống và các dây thần kinh hai cháu, trọng trách đặt nhiều lên vai vị bác sĩ 39 tuổi đang là Trưởng Khoa Ngoại thần kinh.
“Quá nhiều thử thách và áp lực, đồng thời cũng là may mắn. Vì có thể chỉ gặp một lần trong đời phẫu thuật viên ngoại thần kinh”, bác sĩ Cần quyết tâm.
Hai trẻ song sinh dính nhau thường nằm thẳng, nhưng trường hợp này một thẳng một nghiêng nên hình ảnh cận lâm sàng không thể đánh giá được hoàn toàn cấu trúc liên quan.
Bao nhiêu thử thách đặt ra. Nếu chẳng may hai tủy hòa vào thành một, các dây thần kinh chi phối lẫn lộn thì phải xử trí thế nào? Ngoài vấn đề thần kinh thì liệu các bộ phận khác như hậu môn trực tràng có dính nhau không? Cứ cho rằng tách suôn sẻ thì khâu cuối cùng làm sao có thể phủ che tất cả sang thương, tránh nhiễm trùng, xì rò chảy dịch não tủy gây nguy hiểm tính mạng, ảnh hưởng cuộc đời các cháu về sau? Các bác sĩ bàn bạc với không ít lần tranh cãi gay gắt, thậm chí mời hội chẩn từ Bệnh viện Chợ Rẫy để thống nhất phương án.
7h sáng 23/8/2017, hai bệnh nhi được chuẩn bị để gây mê. Kim đồng hồ nhích từng phút nặng nề.
14h40 tủy vẫn còn đang được phẫu tích bóc tách rời các sợi thần kinh giữa hai bé.
15h45 hai bé đã hoàn tất tách tủy và khâu phục hồi màng tủy.
15h46 phẫu thuật viên tạo hình và tiêu hóa vào để tiếp tục tách phần dính xương cùng và trực tràng tầng sinh môn.
16h10 hai bé hoàn toàn tách rời, tiếp tục tách vạt cân cơ.
16h20 di chuyển một bé qua phòng mổ kế bên.
16h30 tiếp tục phẫu thuật bóc tách vạt cân cơ.
17h30 hoàn tất khâu che màng cứng, che phủ vạt da.
17h35 xoay bệnh nhân về tư thế hơi ngửa để làm hậu môn tạm.
Chiếc áo trùm từ bọc kính vi phẫu
Một trong những quyết định quan trọng nhất của ca mổ, là việc chọn tư thế gây mê và phẫu thuật.
Các bác sĩ gây mê cho rằng nên để bé nằm ngửa. Đó là tư thế thuận lợi, phù hợp với thế nằm tự nhiên, giúp hai cháu đều thoải mái lúc mổ. Các bác sĩ phẫu thuật ủng hộ tư thế úp ngược các cháu, thuận lợi thao tác mổ.
Ở tư thế nằm úp, nguy cơ một trong hai cháu sẽ không thở được. Đặc biệt là cháu Bảo Ân hô hấp yếu chỉ trụ được khoảng 2 tiếng trong khi cuộc mổ dự tính khoảng 12 giờ. Nhưng nếu các bé nằm tư thế sinh lý bình thường, phẫu thuật viên sẽ không thể mổ tách được vì hốc vị nằm ở bên dưới. Bác sĩ không thể ngóc đầu từ dưới mổ lên.
“Nếu gây mê có trục trặc, phẫu thuật viên lấy gì mà mổ” - “Nếu không thể phẫu thuật, việc gây mê cũng chẳng để làm gì”. Hai luồng tranh luận gay gắt. Bác sĩ Phạm Thị Minh Tâm, người từng phụ trách gây mê 6 ca phẫu thuật tách song sinh của bệnh viện, nay đã nghỉ hưu cũng được mời trở lại tham gia.
Hội chẩn căng thẳng. Phương án được chọn là bác sĩ đặt hai bé ở tư thế thuận lợi để gây mê. Kíp tạo hình tiến hành tách rạch da ở phía trên khoảng 30 phút. Sau đó sẽ lật úp bệnh nhân lại ở tư thế thuận lợi để phẫu thuật viên ngoại thần kinh dễ thao tác và đòi hỏi phải mổ thật nhanh trong tối đa khoảng 4 giờ.
"Nếu trong lúc phẫu thuật đứa bé ngừng thở chúng tôi sẽ trả lại để kíp gây mê tiến hành hồi sức ổn định mới làm tiếp", các bác sĩ ngoại thần kinh thống nhất. May mắn tình huống nguy cấp này đã không xảy ra trong lúc mổ.
Các ca mổ tách song sinh trước đây không phải lật em bé, riêng tư thế dính nhau của ca này bắt buộc phải lật trở trong lúc mổ. Đây là việc cực kỳ phức tạp. Mỗi bệnh nhi gắn với khoảng 15 đường truyền và ống, dây nhợ chằng chịt bên cạnh hai hệ thống máy móc lớn. Việc úp lại có nguy cơ chéo dây nhầm lẫn, mất vệ sinh, nhiễm trùng, các đường thở sút ra gây tử vong.
Nữ dụng cụ viên Nguyễn Thị Thu Nga bất ngờ nêu ý kiến: “Có nên bọc em bé bằng túi nilon bọc kính vi phẫu đã được hấp vô trùng, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa thuận tiện xoay trở”. Sáng kiến này nhanh chóng được cả ê kíp nhất trí.
Bà Nga nay 57 tuổi, từng là cô dụng cụ viên để lại nhiều ấn tượng trong ca phẫu thuật Việt Đức năm xưa.
Khoảnh khắc đáng yêu sau tách của cặp song sinh dính nhau
Sau khi tách rời thành công, bé khỏe hơn được đem qua phòng mổ kế bên để tiếp tục các thao tác. Ban đầu Bảo Hân được dự định bọc bằng khăn để mang đi. Cuối cùng mọi người thống nhất bọc bé bằng bao kính vi phẫu. "Em bé không có quần áo che chở nên bao bọc kính vi phẫu sẽ không gây hạ thân nhiệt, lại vô trùng khi di chuyển”, bà Nga lý giải.
18h35 cuộc mổ hoàn tất, kết thúc 11 tiếng 30 phút căng thẳng. Tổng thời gian ngắn hơn so với các ca mổ tương tự trên thế giới - thường kéo dài 14-15 giờ.
Một năm sóng gió
Ngày 24/7/2016, sản phụ 18 tuổi Thị Quyền vượt cạn. Trong thai kỳ, người mẹ dân tộc S'tiêng từng siêu âm phát hiện song thai nhưng không biết tình trạng dính nhau.
Nửa mê nửa tỉnh sau ca sinh mổ, chị Quyền chỉ nghe thông tin hai con dính liền và đã được chuyển từ Bình Phước lên TP HCM. Vài ngày sau, thấy hình ảnh Bảo Hân, Bảo Ân khóc trên báo, chị ngất xỉu. 13 ngày sau sinh, điều trị ổn nhiễm trùng vết mổ, chị khăn gói lên thành phố chăm con.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết từ khi chào đời đến lúc mổ và cả hiện nay, hai bé hoàn toàn ở trong viện. Các bác sĩ, điều dưỡng thay nhau chăm sóc, quen thuộc với việc uống sữa, thay tã, thuốc men cùng lúc cho hai bé trong tư thế đặc biệt. Họ cũng chứng kiến sự lớn lên từng ngày của các bé.
Trước, trong và sau mổ luôn dồn dập sóng gió với hai cuộc đời bé bỏng. Hai bé trải qua ba lần phẫu thuật đặt túi giãn da thất bại, luân chuyển nhiều chuyên khoa để điều trị như Sơ sinh, Phỏng chỉnh hình... Vượt qua ca mổ tách nhiều khó khăn, quá trình hậu phẫu các bé lại đối diện không ít hiểm nguy. Bé Bảo Hân có sức khỏe tốt hơn song bị biến chứng rò dịch não tủy và nhiễm trùng.
Theo y văn thế giới, tỷ lệ biến chứng rò dịch não tủy ở những ca tách song sinh dính liền lên đến hơn 30%. Dù đã nằm trong tiên lượng nhưng các bác sĩ phải vất vả phẫu thuật để dẫn lưu dịch não tủy ra ngoài, tránh nguy cơ tràn dịch lên não gây nguy hiểm, sau đó cắt lọc và khâu lại các lớp vết mổ cũ ở màng cứng.
Khoảnh khắc tự lập đầu đời
Một tháng rưỡi sau ca mổ tách, hiện hai bé hồi phục tốt và đang tập các chức năng vận động. Bảo Hân là chị, cân nặng hơn 6 kg, còn em Bảo Ân hơn 5 kg.
Hai con thích cười đùa, thậm chí giành giật, cào cấu như đứa trẻ bình thường khác.
Từ một ca song sinh dính vùng cùng cụt, nghĩa là luôn phải đấu lưng với nhau, bây giờ, lần đầu tiên kể từ khi chào đời, chị em chúng đã có thể nhìn vào mắt nhau. Căn nhà gỗ nhỏ trên dốc núi Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, sắp đón hai bé lần đầu tiên về nhà.
Lê Phương - Trần Ngoan
Nguồn: VNEXPRESS
Đăng bởi: Nguyễn Thị Thu Hân
Các tin khác
TRI ÂN NHỮNG NGƯỜI THẦY 20/11/2021
'Cuộc chiến' sau 0 giờ của các Bác sĩ 10/03/2019
Cả một đời tận tâm với nghề 02/05/2018