Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tật ngón tay cò súng ở trẻ em và các điều cần biết

Ngày đăng:  10/11/2012

 
Lượt xem: 107425

Một số bà mẹ nhận thấy ngón tay cái con mình hay bị co rút lại như cò súng, nếu cố duỗi ra thì một lát sau vẫn co lại như cũ hoặc bé đau, khóc không cho mẹ làm.

Đến khám tại bệnh viện, các bé được bác sĩ chẩn đoán là tật ngón tay cò súng, hay ngón tay bật và có chỉ định mổ. Điều này khiến nhiều cha mẹ rất lo lắng vì nhiều bé còn quá nhỏ mà đã phải mổ xẻ.

Ngón tay cò súng là gì?

Tật ngón tay cò súng (ngón tay bật) là tình trạng ngón khi để tự nhiên thì có khuynh hướng bị co lại ở tư thế cong đặc hiệu, gập như cò súng. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ ngón nào của bàn tay nhưng thường gặp nhất là ở ngón cái của bé. Khi cha mẹ cố duỗi ngón tay thì ngón có thể bật ra và nghe tiếng “cắc” nhẹ. Nhưng sau đó ngón tay lại co lại tư thế cong như cũ. Tên gọi chính xác trong y học thì đây là bệnh do “viêm hẹp bao gân gấp”.

Nguyên nhân gây bệnh

Một ngón tay gấp duỗi lại được là nhờ sự phối hợp trơn tru của hệ thống gân gấp và gân duỗi. Các sợi gân này khi co duỗi sẽ trượt trong một cái bao gọi là bao gân. Bình thường bao gân giúp gân trượt dễ dàng trong bao. Khi vì một lý do nào đó bao gân gấp bị viêm và dày lên làm lòng bao gân hẹp lại, gân gấp trượt trong bao gân sẽ khó khăn. Nếu quá trình này lặp đi lặp lại thì bao gân ngày càng trở nên cứng chắc, ngược lại gân gấp cũng xảy ra tình trạng hóa sợi tại chỗ ở vị trí ma sát và tạo thành một khối giống u sợi nằm trên gân gấp. Điều này làm cho quá trình gập duỗi của gân gấp trong ngón tay ngày càng khó khăn hơn và ngón tay thường bị co rút về một vị trí tương đối đặc hiệu, cong lại như cò súng.

Ước tính bệnh ngón tay cò súng chiếm khoảng 2% các vấn đề về bàn tay của trẻ đang lớn. Dù bệnh có thể xuất hiện ngay lúc mới sinh nhưng thường được phát hiện lúc bé 4-5 tháng do các tháng đầu bé luôn nắm chặt bàn tay lại. Có khoảng 30% bệnh nhi bị ngón tay cò súng hai tay.

Giai đoạn đầu, ngón tay cò súng vẫn có thể co duỗi như một ngón bình thường nhưng hơi gượng, không trơn tru. Giai đoạn sau, ngón tay chỉ có thể duỗi với một lực nắn tương đối mạnh, đau, sưng nơi khớp bàn đốt. Giai đoạn cuối, ngón tay cố định ở vị trí gấp khó duỗi ra được. Thông thường có thể sờ thấy một nốt sần nhỏ ở vị trí khớp bàn đốt ngón 1.

Diễn tiến tự nhiên của bệnh?

Nếu ngón tay bật có từ lúc mới sinh thì có những trường hợp sẽ tự hết trong vòng một năm nhưng sau 1 tuổi thì khả năng tự hết là rất thấp, đặc biệt khi trẻ trên 3 tuổi.

Do ngón tay không duỗi ra được, lâu ngày gân gấp sẽ bị xơ hóa khiến cho ngón 1 co rút ở tư thế như cò súng, ảnh hưởng chức năng cầm nắm của trẻ.

Có hai phương pháp điều trị dành cho trẻ bị tật này:

- Vật lý trị liệu: có thể hồi phục nếu phát hiện sớm, lúc bao gân gấp và gân gấp còn mềm, chưa bị viêm xơ nhiều. Tuy nhiên khả năng thành công của vật lý trị liệu giảm dần theo số tuổi bệnh nhi, thường chỉ có tác dụng đối với trẻ dưới 1 tuổi.

- Điều trị phẫu thuật được tiến hành cho những trường hợp ngón tay đã tập vật lý trị liệu nhưng không có kết quả. Mục đích của phẫu thuật là mở rộng bao gân gấp, giúp cho gân gấp trượt dễ dàng hơn.

Tỉ lệ tái phát rất thấp, chủ yếu là mở rộng không đủ bao gân gấp, khiến gân gấp vẫn còn bị cản trở khi trượt trong bao gân. Phẫu thuật lại (nếu có) cũng không phức tạp. Nếu bé đã phẫu thuật giải quyết được nguyên nhân là chỗ hẹp bao gân thì không cần thiết phải tập vật lý trị liệu. Nhưng bao gân gấp khi xẻ rộng thì vẫn có khả năng tự liền lại, do đó người nhà nên tập co duỗi ngón nhẹ khoảng một tuần cho bé (khoảng 3-4 ngày sau mổ) để tránh tình trạng này.

Một nghiên cứu của tác giả McAdams (2002) sau 15 năm theo dõi 21 bệnh nhân phẫu thuật ngón tay cò súng cho thấy:

- Khoảng 23% bệnh nhân có giảm nhẹ độ co duỗi ngón xa và khoảng 18% bị ưỡn quá khớp bàn ngón 1.

- Chức năng vận động của ngón là bình thường và không thấy tái phát tật này.

Đăng bởi: Bs Trương Anh Mậu, khoa ngoại

[Trở về]

Các tin khác

Tắc ruột vì  14/01/2021