Điều trị xẻ nang niệu quản ở trẻ em với dụng cụ hỗ trợ
Ngày đăng: 11/09/2019
Lượt xem: 7792
Một cách tiếp cận mới không xâm lấn giúp tăng hiệu quả, an toàn và thành công cho phẫu thuật.
Tháng 8 /2019 vừa qua, tại Khoa Niệu bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 1 bé gái 11 tháng tuổi, bé Lê T. N.Y,nhập viện vì đợt nhiễm trùng tiểu kèm với tình trạng nang niệu quản to. Bé có tiền căn thận đôi bên phải phát hiện từ lúc siêu âm thai sản. Bé tham gia tái khám định kỳ, chưa ghi nhận đợt nhiễm trùng tiểu trước đây. Đợt này ở nhà bé tiểu đục kèm theo tiểu rặn nhiều. Bé đã được các bác sĩ trong khoa chẩn đoán và được điều trị tình trạng nhiễm trùng tiểu ổn. Tiếp sau đó, bé được làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ đưa ra chẩn đoán cuối cùng: Nang niệu quản phải có triệu chứng trên trẻ thận đôi phải. Nang khá to gây tình trạng nhiễm trùng có thể tái diễn và gây khó khăn cho quá trình tiểu của bé. Vì thế các bác sĩ phải định hướng đến một phương pháp điều trị tốt nhất cho bé ngay lúc này nhằm giải quyết vấn đề khó chịu cho bé, cũng như giúp cải thiện chức năng thận sau này hoặc cũng có thể tạo bước đầu nếu có can thiệp phẩu thuật sau này.
Hình ảnh: Nang niệu quản và thận đôi Phải trên phim UIV và DMSA
Ê kíp phẫu thuật gồm TS.BS Phạm Ngoc Thạch, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 2, BS Phan Lê Minh Tiến, BS Nguyễn Thị Kim Nga đã thực hiện kỹ thuật soi bàng quang xẻ nang niệu quản với một dụng cụ nhỏ hỗ trợ. Chúng tôi nhấn mạnh hơn vào kỹ thuật này vì so với phương pháp cổ điển là thêm một kênh thao tác cho phẩu thuật viên (PTV) để tăng độ an toàn và hiệu quả cho bệnh nhi. Phương pháp cổ điển là sau khi cho bé ngủ mê, đưa scope vào quan sát vị trí của nang và thông qua kênh thao tác song song với scope PTV dùng dao điện hoặc dao lạnh để đâm thủng nhiều lỗ. Khó khăn hay gặp là đối với nang lớn khi tiếp cận sẽ rất khó khăn quan sát giới hạn nang, cũng như khó khăn trong thao tác xẻ nang vì sự di chuyển của thành nang trong bàng quang khi được bơm căng. Với phương pháp mới này, chúng tôi hỗ trợ thêm một kim luồn 16Fr đâm xuyên bàng quang ngay trên xương mu, vị trí tiếp cận bàng quang an toàn, ít gây biến chứng vào ổ bụng. Thông qua kim luồn này, chúng tôi dùng một kẹp nhỏ trong nội soi để đưa vào bàng quang với hướng vuông góc với kênh thao tác ban đầu và kẹp giữ nang, thế mạnh của kẹp nhỏ này sẽ được phát huy cho nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, giúp cho PTV quan sát nang một cách dễ dàng, xác định được vị trí cũng như giới hạn của nang và các bất thường khác trong bàng quang nếu có.
Thứ hai, có thể cố định , giữ căng, tách thành nang ra khỏi bàng quang giúp PTV xác định chính xác nơi cần tác động trong quá trình thao tác, tránh việc đâm thủng nang mơ hồ.
Việc hỗ trợ thêm một kênh thao tác có lợi điểm tránh được các biến chứng trong quá trình xẻ nang như chảy máu khi đâm nhầm mạch máu, tránh thủng bàng quang khi xác định được giới hạn nang và bàng quang. Đặc biệt với kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ không chịu một đường rạch da nào cả, chỉ có một vết đâm kim rất nhỏ, mang lại tính thẩm mỹ cao.
Sau khi bệnh nhân được hội chẩn, cùng với sự đồng ý của người nhà chúng tôi đã tiến hành xẻ nang niệu quản qua soi bàng quang với dụng cụ hỗ trợ cho bé ngay lập tức.
Sau quá trình can thiệp, bé được đặt sonde tiểu 3 ngày theo dõi, bé có sốt, nước tiểu đục nghĩ nhiều do sự ứ động tình trạng nhiễm trùng trong nang niệu quản sau xẻ được dẫn lưu xuống. Thăm khám không thấy để lại sẹo da trên xương mu.
Với những thông tin như trên, chúng tôi muốn đưa đến cho bệnh nhi những phương pháp chẩn đoán tốt nhất, hiệu quả nhất và mới nhất nhằm mục đích cuối cùng vì sức khỏe bệnh nhi.
Bên cạnh đó chúng tôi mong sẽ được nhân rộng kỹ thuật này nhằm hỗ trợ không những can thiệp dành cho nang niệu quản mà cả bệnh lý về sỏi bàng quang hay các bệnh lý khác cần hỗ trợ trong bàng quang.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CÁC PHỤ HUYNH:
Bênh lý nang niệu quản hay gặp ở trẻ em với tần suất 1/4000 trẻ trên thế giới và hay gặp ở trẻ nữ ( nữ/ nam = 4/1- 6/1), với 80% có kèm với bất thường Thận- niệu quản đôi bẩm sinh. Bệnh nên được phát hiện và điều trị sớm sẽ có tiên lượng tốt, tránh được tổn thương thận, sẹo thận có
thể dẫn đến suy thận và hỗ trợ cho điều trị sau này nếu cần can thiệp đến phẩu thuật. Việc điều trị nên hướng tới một phương pháp xâm lấn tối thiểu, đảm bảo an toàn, tăng hiệu quả tối đa, giảm thiểu mức thấp nhất những biến chứng hay gặp.
Hình ảnh Nang niệu quản Phải
- Hãy chú ý các triệu chứng sớm của bệnh lý nang niệu quản có biến chứng trên trẻ: sốt, tiểu đục, tiểu rặn, thấy có khối sa qua lỗ tiểu ở bé gái gây tiểu khó khăn, đau bụng,… để đưa các bé đi khám sớm và can thiệp bệnh kịp thời.
- Hãy khám thai thường xuyên và định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý bẩm sinh trên đường tiết niệu nói riêng và các bệnh lý bẩm sinh khác nói chung trên siêu âm tiền sản, đặc biệt là bệnh thận niệu quản đôi… Nếu có bất thường phụ huynh nên sớm đưa trẻ đến khám, để được hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi các bé.
Video phẫu thuật https://youtu.be/StgndtjJsEc
Đăng bởi: BS Nguyễn Hiền
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021