Lo lắng, sợ hãi ở trẻ - những điều cần biết
Ngày đăng: 12/08/2009
Lượt xem: 11110
Bất cứ một đứa trẻ nào cũng đều gặp phải ít nhất một lần căng thẳng, lo lắng và sợ hãi một vấn đề nào đó. Cảm thấy lo lắng trong một tình huống không hay nào đó khiến trẻ không thoải mái. Trãi qua nhiều lo lắng sợ hãi và đối diện với nó sẽ giúp cho trẻ dễ dàng vượt qua những thử thách của cuộc sống trong tương lai.
1. Lo lắng và sợ là tình trạng bình thường:
- Lo lắng được hiểu theo nghĩa “Sợ không rõ nguyên do”. Nó thường phát sinh khi không có mối đe dọa tức thời đến sự an toàn và hạnh phúc của trẻ. Nhưng mối đe dọa này được trẻ nhận thấy rất thực.
- Lo lắng và sợ hãi khi trẻ muốn thoát thật nhanh khỏi tình huống đó. Nhịp tim đập mạnh, toát mồ hôi, lo lắng bồn chồn. Tuy nhiên, một chút lo lắng đôi khi cũng giúp trẻ tập trung hơn và nhanh nhạy hơn. Trong một số trường hợp, lo lắng và sợ sẽ giúp trẻ có những hành vi an toàn (Nếu trẻ sợ lửa, trẻ sẽ không chơi những que diêm nguy hiểm có thể dẫn đến hỏa hoạn…).
Những lo lắng và sợ hãi thường gặp trong những giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ:
- Trẻ sơ sinh thường sợ người lạ và ôm bố mẹ mỗi khi gặp những người không quen biết
- Trẻ từ 10 đến 18 tháng bắt đầu có sự lo lắng hay sợ khi bố hoặc mẹ rời khỏi bé
- Trẻ từ 4 đến 6 tuổi sợ những chuyện không có thật như: quái vật, ma, quỷ…
- Trẻ từ 7 đến 12 tuổi sẽ sợ những vấn đề xuất phát từ thực tế có thể đã từng xảy ra với trẻ (Những chấn thương cơ thể, những thảm họa tự nhiên…)
Sự lo lắng và sợ hãi ở trẻ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển khác nhau. Trẻ có xu hướng sợ người lạ, độ cao, bóng tối, động vật, máu, côn trùng, hay sợ ở một mình…Bên cạnh đó, trẻ thường sợ sau những tình huống gặp phải như sợ chó sau khi bị chó cắn, sợ xe sau khi bị tai nạn…
Những dấu hiệu có thể cho thấy trẻ gặp tình trạng lo lắng và sợ hãi:
- Toát mồ hôi, bốc đồng hay quẫn trí
- Nhiều hành động lo lắng, sợ hãi như thường xuyên co rúm
- Trẻ ngủ dài hơn bình thường
- Đổ mồ hôi tay
- Nhịp tim nhanh và thở gấp
- Nôn ói
- Đau đầu
- Đau bụng
Ngoài những dấu hiệu trên, các bậc phụ huynh nên quan tâm khi trẻ cảm thấy băn khoăn lo lắng thái quá vấn đề nào đó. Lo lắng và sợ hãi là vấn đề bình thường trong sự phát triển của trẻ, chúng ta nên lắng nghe và chia sẻ với trẻ, giải thích và động viên trẻ, trong một số trường hợp, điều này cũng có thể làm trẻ không còn sợ hãi lo lắng vấn đề đó nữa.
2. Ám ảnh:
Khi trẻ lo lắng và sợ lâu ngày sẽ dẫn đến ám ảnh và vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng. Khi bị ám ảnh, trẻ rất khó chịu đựng về mặt tâm lý và đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ cần sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa.
3. Hãy giúp đỡ con bạn:
Sợ hãi là vấn đề bình thường của trẻ trong quá trình phát triển, nhưng nếu chúng ta không giúp đỡ, nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh khi trẻ lớn lên. Gia đình có thể giúp đỡ trẻ phát triển kỹ năng sống và vượt qua những nỗi sợ hãi. Sau đây là một số lời khuyên dành cho các phụ huynh:
- Nhận biết nỗi sợ của trẻ theo quan điểm của trẻ và thừa nhận vấn đề. An ủi và động viên trẻ về nỗi sợ. Ví dụ trẻ sợ sâu, phụ huynh có thể động viên trẻ “Mẹ biết con sợ sâu, nhưng đó là một loài động vật, sâu chỉ ăn lá không làm hại con”, lúc đó trẻ sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi gặp sâu.
- Đừng ép con bạn vượt qua nỗi sợ bằng cách xem nhẹ nỗi sợ đó “Con đừng sợ, ma có gì đâu mà sợ”…Điều này không thể làm con bạn hết sợ hãi. Ngược lại, trẻ sẽ cảm thấy bạn không hiểu và chia sẻ cùng trẻ.
- Đừng né tránh nỗi sợ. Nếu con bạn sợ chó, bạn dẫn bé đi những nơi nào tránh được chó. Điều này càng làm con bạn cảm thấy chó thật đáng sợ và càng nên tránh. Trong trường hợp này, thay vì tránh né vấn đề trẻ sợ, chúng ta giúp đỡ trẻ và động viên trẻ đối diện với nỗi sợ.
- Không ép trẻ đối diện trực tiếp với nỗi sợ vì càng làm con bạn thêm khủng hoảng (ép trẻ ở một mình trong bóng đêm để trẻ hết sợ ma…). Hãy kiên nhẫn với trẻ. Bạn hãy hướng dẫn từ từ và lặp đi lặp lại khi bé sợ hãi một thứ gì đó. Hãy giúp bé cảm thấy thật thoải mái và đưa bé vào một nơi an toàn, nếu có thể.
Nguồn : http://kidshealth.org/parent/emotions/feelings/anxiety.html
Đăng bởi: DS Hoàng Thùy Linh
Các tin khác
Lợi ích từ việc nghỉ hè với trẻ em 24/08/2024
Trẻ rối loạn tâm lý khi 26/05/2021
Trẻ bị stress do áp lực thi cử 13/04/2021
Tâm lý tuổi vị thành niên 14/12/2020
Trẻ em và thiết bị di động 01/08/2019
Khi nào Bạn cần cắt giảm café 07/04/2019
Dấu hiệu của khiếm khuyết học tập 24/03/2019