Bấm vào hình để xem kích thước thật

Nhận biết trẻ bị bạo lực học đường

Ngày đăng:  01/01/2011

 
Lượt xem: 12681

      Trẻ ở mọi độ tuổi đều có thể phải đối mặt với các biến cố như: gia đình ly tán, mất mát người thân, nhà có thêm em bé, thay đổi môi trường sống, bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường…Trẻ gặp biến cố, dù nhỏ nhưng nếu không được quan tâm, hỗ trợ, nâng đỡ tinh thần kịp thời, cũng dễ rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý và dẫn đến trầm cảm. Nguy cơ tự tử rất cao với những trẻ bị trầm cảm kéo dài. Vì thế, vai trò của cha mẹ trong việc giúp con vượt qua biến cố rất quan trọng

       1/ Thưa chị. Nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực học đường ngày càng gia tăng như hiện nay?

            Từ năm 2008 đến nay đã có nhiều nghiên cứu về thực trạng của vấn đề bạo lực học đường. Kết quả nghiên cứu ấy cho thấy: những cảnh bạo lực trên phim ảnh có tác động nhất định đến người lớn và trẻ em. Khi nào còn phô diễn những cảnh bạo lực thì con em chúng ta sẽ lãnh đủ, ngay cả trong trường học.

            Trong gia đình, trẻ chứng kiến những cảnh bạo lực thì khi lớn lên, trẻ cũng thường dùng bạo lực để giải quyết những vấn đề của mình. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà bạo hành đang rất phổ biến. Đọc tin tức báo chí, các bạn cũng thấy tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng. Đặc biệt là ở trường học và xảy ra ở cả trẻ em nam lẫn nữ.

 2/ Làm thế nào để cha mẹ nhận biết con mình đang gặp phải vấn đề bạo hành? Những biểu hiện của trẻ là gì thưa chị?

            Kinh nghiệm qua quá trình tư vấn cho chúng tôi thấy học sinh bị bắt nạt thường ít khi báo ngay với cha mẹ hay giáo viên vì mắc cỡ và sợ bị rầy la. Thực tế, nhiều phụ huynh và giáo viên khi nghe các cháu phản ánh việc bị bắt nạt đã có những câu nói đại loại như: “Con đã làm cái gì sai nên người ta mới đánh con?”, “Bao nhiêu bạn chung lớp không sao cả mà sao chỉ có con bị?”... Thậm chí có người còn có hành động nóng nảy, la mắng.

            Nhìn chung, học sinh bị bắt nạt luôn có những biểu hiện khác thường. Chẳng hạn như thường tỏ ra ngần ngại khi đi học hay tham gia các hoạt động ngoại khóa. Một số không dám đi học thêm ở nhà giáo viên vì sợ sẽ gặp lại những bạn học bắt nạt hoặc sợ bị theo dõi trên đường; có em nằng nặc đòi chuyển trường, chuyển lớp, đột nhiên không chơi với bạn chung xóm hoặc chung lớp.

            Ở trường, những trẻ bị bắt nạt đôi khi bỏ học một số tiết hoặc thường xin giáo viên ra ngoài trong giờ học với lý do đi vệ sinh, thường quên làm bài tập về nhà hay không chuẩn bị bài trước.

            Các em cũng thường mất tập trung, hay nhìn ra bên ngoài khi giáo viên giảng bài và vì vậy kết quả học tập sút giảm rõ rệt. Một số em có biểu hiện không muốn cha mẹ  đưa đi học vì sợ cha mẹ phát hiện và sợ những người bạn bức hiếp sẽ cho rằng các em đã báo sự việc cho người lớn.

             Do tâm lý lo sợ thường xuyên nên các em hay bị bắt nạt thường sẽ rụt rè ở nơi đông người, hối hả đi vệ sinh ngay sau mỗi lần đi học về. Một số em thường ở trong phòng riêng của mình, thường viện ra các lý do khác nhau như đóng tiền trợ cấp bão lụt, quỹ lớp... để xin tiền, thậm chí ăn cắp tiền trong gia đình.

            Đôi khi phụ huynh có thể thấy một số đồ đạc trong nhà bị mất mà không rõ nguyên nhân. Rất có thể trong những trường hợp ấy là do chính con của mình đã bị bạn dụ dỗ hoặc cưỡng ép lấy cắp.

            Nếu để ý thì trong trường hợp này, phụ huynh có thể phát hiện một vài cuộc điện thoại gọi vào những giờ nghỉ trưa hoặc đêm khuya mà khi nghe giọng nói của mình thì người gọi điện lại tắt máy.

            Có em thường về nhà muộn mà lý do không rõ ràng, trong cặp đôi khi có những đồ vật khác thường có thể làm tổn thương người khác như cây sắt, dây, dao, kéo hay lưỡi lam.

 3/ Vậy thưa chị. Các bậc phụ huynh phải làm như thế nào để trẻ nói ra sự thật?

           Trong trường hợp đã biết chính xác con bị bắt nạt, phụ huynh đừng nóng vội la mắng vì sẽ khiến các em sợ hãi và cô đơn thêm vì chính lúc này các em rất cần sự bảo vệ và che chở. Phụ huynh nên nói chuyện với con bằng thái độ bình tĩnh và tìm mọi cách để khuyến khích con nói ra sự thật.

            Hãy động viên con rằng mọi việc đều có thể được giải quyết sớm. Đừng bao giờ nói rằng người lớn không có ý kiến gì về chuyện này cả, cho dù đó là những biểu hiện rất nhỏ của việc bắt nạt như chọc ghẹo tên của nhau.

            Thông thường, phụ huynh rất nóng ruột khi thấy con bị người khác bắt nạt nên một số đã hành động thiếu sự cân nhắc như đánh các học sinh đã bắt nạt con mình, tìm đến nhà để “mắng vốn” hay thúc giục con đánh trả. Những hành động này đều sai lầm vì sẽ rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật và sẽ đẩy con vào trạng thái căng thẳng hơn.

             Phụ huynh cũng cần ghi nhận cụ thể tất cả tình tiết, như việc con bị bức hiếp ở đâu, khi nào và do ai cầm đầu để báo lại với nhà trường. Không vội vã chuyển con sang lớp khác, trường khác hay cho con nghỉ học một vài ngày để tránh mặt các học sinh hay dọa nạt vì các em sẽ bị trêu chọc nhiều hơn khi quay trở lại trường.

 4/ Để sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời trẻ bị bạo lực học đường. Xin chị cho 1 vài lời khuyên?

             Để sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng con em bị bắt nạt ở trường, phụ huynh cần thực hiện những điều sau đây:

 - Thường xuyên liên lạc với nhà trường: Đặc biệt là  giáo viên chủ nhiệm và giám thị để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của con tại trường, thậm chí cả khi các em không có biểu hiện gì khác lạ.

 - Thường xuyên kiểm tra bài học: Cùng với đó là quan sát những thay đổi trong cuộc sống của con. Nếu phát hiện những dấu hiệu khác lạ, cần liên hệ ngay với nhà trường để phối hợp giải quyết.

 - Thường xuyên đặt câu hỏi với con: Những câu hỏi đại loại như “Hôm nay con làm gì ở trường?”, “Con có làm được những gì con thích không?”, “Có phải con đã làm những chuyện gì mà con không thích?”, “Có mong ngày mai đi học nữa không?”, “Có muốn mời ai về nhà mình chơi không?”... Các em rất có thể nói dối hay từ chối trả lời nhưng nguyên tắc chung của cách đặt câu hỏi mở là tạo điều kiện cho các em nói ra những điều mà cha mẹ cần biết.

 - Khuyến khích mời bạn thân về nhà: Có thể nhân dịp sinh nhật của con hoặc chỉ để học bài hay chơi chung một trò chơi nào đó. Thông qua đó, phụ huynh có thể hình dung các mối quan hệ của con ở trường.

 - Khuyến khích con học thêm một số khóa học: Chẳng hạn như học đàn, học võ hay tham gia câu lạc bộ thể dục nhịp điệu... giúp các em tự tin hơn về chính bản thân và có cơ hội bộc lộ năng khiếu.

 - Khuyến khích con chủ động báo tin: Phụ huynh cần khuyến khích con mạnh dạn báo ngay cho nhà trường, công an và gia đình khi bị bắt nạt hay thấy bạn bị hành hung; mạnh dạn báo cho người lớn biết về các tin nhắn có nội dung đe dọa qua điện thoại di động hay email...

           Đối với trẻ nhỏ, khi bị bắt nạt thường xuyên, các em sẽ có dấu hiệu chán ăn và giấc ngủ chập chờn. Ở tuổi vị thành niên, những nam sinh hay bị bắt nạt thường bất ngờ tỏ ra rất nam tính một cách bất thường như đòi tập thể hình hay học võ, cố chỉnh sửa giọng nói. Một số em hay hỏi người lớn những câu hỏi vu vơ và thường cố tình tránh né các câu hỏi liên quan đến bạn bè trong lớp. Phụ huynh cũng có thể phát hiện các em thường hay nói rằng đã đánh mất hay để quên máy tính, viết, cây thước, nón...  ở một nơi nào đó..v..v.

 

 

 

Đăng bởi: Nguồn báo người lao động

[Trở về]

Các tin khác