Cách nhận biết trẻ có nguy cơ bị sốt xuất huyết.
Ngày đăng: 09/10/2010
Lượt xem: 43399
Sốt Xuất Huyết là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue còn được gọi là Sốt xuất huyết Dengue . Bệnh Sốt xuất huyết Dengue được biết ở Việt Nam vào những năm 60. Những trường hợp đầu tiên xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, lan ra thành dịch. Sau đó hầu hết các tỉnh thành và nông thôn phía Nam đều có bệnh.
Thông thường bệnh xảy ra quanh năm, tỉ lệ bệnh bắt đầu tăng vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 2-3 dương lịch ) lên cao điểm vào khoảng tháng 6-10 và giảm dần vào các tháng cuối năm. Bệnh thường gặp ở những nơi đông dân cư, vệ sinh môi trường kém, đối tượng mắc bệnh thường là trẻ em trong lứa tuổi từ 2-9, đặc biệt là những trẻ khoẻ mạnh và bụ bẫm có khuynh hướng diễn tiến nặng, dễ rơi vào sốc.
Các dấu hiệu cho biết trẻ có nguy cơ bị sốt xuất huyết :
- Trẻ sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày
- Trẻ có các biểu hiện của xuất huyết dưới da như xuất hiện những chấm, nốt hay mảng xuất huyết thường ở mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cánh tay, bụng, đùi, hay vết bầm tím quanh nơi tiêm chích; hoặc xuất huyết niêm mạc như bị chảy máu mũi hay chảy máu chân răng hoặc trẻ bị nôn ra máu hay đi ngoài phân đen, tiểu ra máu .
- Trường hợp nặng ( trụy mạch ) thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, trẻ có biểu hiện li bì, hay vật vã, tay chân lạnh ẩm
Khi trẻ có những biểu hiện sau thì nên cho trẻ nhập viện ngay :
- Trẻ li bì, hay kích thích vật vã, tay chân lạnh ẩm
- Nôn ói nhiều
- Có biểu hiện của xuất huyết: chảy máu mũi, lợi; có chấm, nốt, hay mảng xuất huyết; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; tiểu ra máu .
- Đau bụng ( nghi ngờ có xuất huyết nội )
Trung gian truyền bệnh chính trong Sốt xuất huyết Dengue là muỗi vằn Aedes aegypti, thường có những nơi bùn lầy nước đọng xung quanh nhà hay những nơi tối tăm ẩm thấp trong nhà. Muỗi cái hút máu và truyền bệnh vào ban ngày. Sau khi hút máu người bệnh, muỗi sẽ mang virus và truyền virus gây bệnh cho người khác. Do đó mức độ phát triển của bệnh Sốt xuất huyết Dengue gia tăng theo số lượng muỗi cũng như số lượng ấu trùng (lăng quăng ). Biện pháp phòng ngừa chủ yếu cho trẻ là :
- Ngủ mùng vào ban ngày, hun khói, dùng nhang đuổi muỗi hay thoa chế phẩm lên mặt da để ngăn cản muỗi đốt .
- Dọn dẹp các nơi bùn lầy nước đọng xung quanh nhà cũng như trong nhà :thu dọn các vật chứa nước cặn , thông thương cống rãnh, nhà cửa thoáng sạch, thả cá diệt lăng quăng …
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh thường gặp ở Việt Nam, dễ dẫn đến tử vong, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như thuốc phòng ngừa. Rất cần sự hợp tác từ các bà mẹ để bảo vệ sức khoẻ của trẻ trước dịch Sốt xuất huyết Dengue.
Đăng bởi: ĐD.Vũ Thị Tuý Định- Khoa DV1
Các tin khác
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024
Tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh Sởi 27/03/2024
Triệu chứng Viêm màng não ở trẻ em 16/01/2024
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà 17/08/2023