Bấm vào hình để xem kích thước thật

Làm thế nào để phòng ngừa nhiễm giun, sán

Ngày đăng:  02/11/2011

 
Lượt xem: 35423

Trong Hội nghị tổng kết công tác phòng chống bệnh sốt rét và giun sán do Bộ y tế tổ chức cho thấy trên 70% trẻ từ 2 đến 5 tuổi nhiễm giun sán, ở đồng bằng sông Cửu Long tỉ lệ này là 12 – 14%, đồng bằng sông Hồng là 58% và đặc biệt  ở các tỉnh miền núi phía bắc thì tỉ lệ này lên tới 65% và ở một vài tỉnh thì tỉ lệ này thực sự thật đáng báo động như Nghệ An 75%, Thanh Hóa trên 76%, thậm chí tại Hà Nội tỉ lệ này là trên 20%. Đây là một vấn đề thực sự đáng quan tâm và lo ngại.

Cũng theo TS Đặng Thị Cẩm Thạch – Trưởng phòng Ký sinh trùng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương thì ngoài nhiễm sán lá gan, toàn quốc có 60 triệu người nhiễm giun đũa, 40 triệu người nhiễm giun tóc, 20 triệu người nhiễm giun móc, 45 tỉnh thành trên cả nước nhiễm sán lá gan lớn và có 60 – 70% trường hợp bị nhiễm từ 2 – 3 loại giun cùng một lúc (ví dụ: vừa nhiễm giun đũa lẫn giun móc trên một người).

Để phòng chống giun sán thì rất tốn kém, phải tốn nhiều tỷ đồng, điều đó đang thực sự là gánh nặng cho xã hội cũng như gia đình.

Bên cạnh đó, khi nhiễm giun sán, thì ngoài hao tốn tiền bạc để phòng ngừa, giun sán còn gây hậu quả rất nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, người lớn thậm chí có thể tử vong.

Ở phụ nữ trưởng thành và ở độ  tuổi sinh sản thì nhiễm những loại giun truyền qua đất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, có thể gây dị tật cho thai nhi, sanh non, sanh ra trẻ thiếu cân, thậm chí có thể tử vong cả mẹ lẫn trẻ sơ sinh.

Còn với trẻ em:

-         Giun sán có thể tiết ra các loại độc tố, hoặc thải ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho cơ thể.

-         Tác hại cơ học: giun tóc, giun móc bám vào niêm mạc ruột gây viêm loét ruột, thậm chí gây chảy máu rỉ rả, nhiều bé bị thiếu máu có khi phải truyền máu. Giun đũa có thể gây tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy gây ra các triệu chứng đau bụng dai dẳng hoặc kịch phát, ói mửa, vàng da, viêm gan…

Nang ấu trùng sán dây lợn (heo) tới não có thể gây động kinh, làm đột tử, nếu ký sinh ở mắt gây mù lòa.

Giun chỉ bạch huyết gây phù voi da tắc mạch bạch huyết và việc điều trị cũng rất khó khăn.

Sán lá phổi xâm nhập làm vỡ thành mạch máu phổi gây ho ra máu.

-         Gây dị ứng cho vật  chủ: giun đũa, giun tóc, đặc biệt giun xoắn gây dị ứng nặng, sốt cao, phù nề, tăng bạch cầu eosinophile.

Ngoài ra giun sán cũng mở đường cho các vi khuẩn xâm nhập cơ thể vì nó làm giảm pH dịch vị dạ dày lám cho vi khuẩn dễ xâm nhập. Các loại giun móc, tóc có thể luồn qua da gây viêm da.

Đó mới chỉ là nói qua một số biến chứng thường gặp do giun sán gây ra chứ tùy tứng loại giun sán và từng giai đoạn bị nhiễm có các biểu hiện lâm sàng sẽ khác nhau.

Quan trọng hơn cả là làm thế nào để phòng ngừa không bị nhiễm giun sán và đặc biệt hơn cả là để tránh tái nhiễm vì nước ta khí hậu nhiệt đới, môi trường thuận lợi để giun sán phát triển, bên cạnh đó một số thói quen ăn các thực phẩm sống: gỏi cá, tiết canh, bò tái…ăn các loại rau thủy sinh còn sống, rau sà lách xoong, rau sống. Muốn loại bỏ nguồn lây nhiễm thì người lớn phải là tấm gương của con trẻ, phải cương quyết loại bỏ những tập quán chưa hợp vệ sinh, phải ăn chín, uống sôi (nước nấu sôi để nguội), xử lý các chất thải sạch sẽ (không phóng uế bừa bãi). Phải đảm bảo 3 sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt trước khi chế biến các món ăn, chuẩn bị cơm cho trẻ, trái cây, trước khi ăn nên rửa sạch, gọt vỏ.

Bỏ thói quen mút tay của trẻ vì mút tay trẻ dễ bị nhiễm giun kim và trứng giun kim có thể tồn tại trên bề mặt quần áo, chăn mền và đồ chơi khoảng 2, 3 tuần.

Nhà cửa phải luôn vệ sinh cũng như các dụng cụ đồ chơi dành cho trẻ luôn được vệ sinh hằng ngày, sau mỗi khi chơi.

Tẩy giun cho trẻ định kỳ mỗi 6 tháng, thuốc tẩy giun (xổ lãi) có rất nhiều loại tùy cơ chế tác dụng trên từng loại giun sán, từng giai đoạn trưởng thành của chúng. Do đó, trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế.

Tuy nhiên để làm được tốt công tác phòng chống giun sán, tránh gây hậu quả nghiêm trọng nhiều khi ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và làm tốn kém tiền bạc của gia đình cũng như xã hội đòi hỏi phải phối hợp nhiều ban ngành đoàn thể, giáo dục, y tế, truyền thông và đặc biệt có sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, có như vậy việc phòng ngừa giun sán mới hiệu quả tránh lãng phí và chỉ là hình thức.

Đăng bởi: BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh Hương - TK.Dịch vụ 2

[Trở về]

Các tin khác