Cùng con vui Tết an toàn!
Ngày đăng: 13/02/2021
Lượt xem: 4105
Dịp Tết, trẻ nhỏ được thoải mái vui chơi, phụ huynh thì bận rộn với việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị trăm thứ để đón chào năm mới, do vậy, đây cũng là thời diểm các tai nạn sinh hoạt xảy ra nhiều hơn ở trẻ.
1. Chạy nhảy bất cẩn, trẻ có thể bị té ngã dẫn đến chấn thương sọ não, gãy xương tay chân.
Khi trẻ có sang chấn vùng đầu, cần lưu ý các điểm sau:
- Tri giác lú lẫn, lơ mơ, co giật? Thay đổi thị lực (nhìn đôi, nhìn mờ)?
- Biến dạng hộp sọ? Chảy máu vùng chấn thương? Chảy dịch, máu từ tai, mũi? Bầm tím mắt, da sau tai?
- Đau đầu? Buồn nôn?
Khi trẻ té ngã và nghi ngờ gãy chi, cần lưu ý các điểm sau:
- Đau đớn? Bầm tím? Sưng? Tiếng gãy rắc? Tê chi?
- Không thể duỗi thẳng (chấn thương vùng khuỷ)? không thể di chuyển chi bình thường?
Sơ cứu khi trẻ còn tỉnh
- Khuyến khích trẻ bị thương giảm thiểu mọi cử động ở đầu, cổ hoặc chi.
- Nếu vết thương trên đầu chảy máu nhiều thì cầm máu bằng cách ấn trực tiếp vết thương và băng lại vùng đầu.
- Nếu nghi ngờ gãy chi, đặt lên vùng bị thương một miếng gạc hay một miếng vải sạch. Đừng cố gắng vặn xương trở lại vị trí và bạn cũng đừng nên rửa vùng bị thương. Quấn đá lạnh (hoặc miếng gạc lạnh) trong một miếng vải và đặt nó lên vùng da bị tổn thương. Điều này sẽ làm cho vùng da ít bị đau hơn. Dùng một thanh nẹp để ổn định vùng bị thương cũng là một cách tốt.
- Trấn an, dỗ dành để trẻ bình tĩnh. Gọi cấp cứu trong lúc người khác đang sơ cứu tại chỗ.
Sơ cứu khi nạn nhân bất tỉnh
- Gọi cấp cứu ngay.
- Không di chuyển trẻ trừ khi trẻ đang ở trong tình trạng nguy cấp. Mọi sự di chuyển đều có thể gây các biến chứng nặng hơn. Theo dõi đường thở và hô hấp của nạn nhân cho đến khi xe cứu thương tới. Nếu trẻ thở yếu đi do có vấn đề với đường hô hấp, cần thận trọng để ngửa đầu trẻ ra sau (và nâng đỡ) cho đến khi nhịp thở trở lại bình thường. Nếu trẻ ngưng tim, ngưng thở phải hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực ngay tại chỗ.
2. Thực phẩm trong dịp tết được chế biến để giữ được lâu nên đôi khi bảo quản không tốt dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm
Khi trẻ có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, ngừng ngay không cho trẻ ăn tiếp món đó nữa và sơ cứu tại chỗ:
- Gây nôn cho trẻ, nôn càng nhiều càng tốt để thức ăn và độc tố tống hết ra ngoài. Gây nôn bằng cách ngoáy vào họng để gây nôn hoặc uống đầy nước rồi móc họng. Khi nôn sặc lên mũi thì phải hút ra để trẻ không bị sặc.
- Tư thế nằm đầu thấp, hơi nghiêng trái khi nôn. Lấy khăn lau chùi trong quá trình trẻ nôn.
- Bổ sung nước điện giải để bù lại lượng nước đã mất khi bị tiêu chảy. Khi trẻ khát nước không nên cho trẻ uống nước lọc hoặc nước có ga.
- Đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám ngay khi có thể.
3. Việc nấu nướng nhiều, hoá vàng trong cúng kiếng, thắp đèn điện trang trí trong dịp tết cũng dễ xảy ra các tai nạn liên quan đến bỏng (phỏng) như bỏng nước sôi, bỏng lửa, bỏng do điện giật.
Sơ cứu tại chỗ khi bỏng nước sôi, bỏng lửa
- Đưa trẻ ra khỏi chỗ gây bỏng
- Làm mát vết bỏng, tránh bị rộp da bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Không dùng nước đá để làm mát da cho trẻ.
- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.
- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.
Sơ cứu tại chỗ khi bỏng do điện giật:
- Phải cắt ngay nguồn điện, dùng cây gỗ để gạt bỏ dây điện, kéo bé ra xa nguồn điện.
- Làm mát vết bỏng bằng cách giữ vùng bị thương ít nhất 10 phút dưới vòi nước đang chảy.
- Nếu bé bất tỉnh ngưng tim ngưng thở, gọi ngay cấp cứu trong lúc người khác hà hơi thởi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
4. Mùa xuân hoa nở, ong bướm cũng nhiều, trẻ lại có thêm nguy cơ dễ bị ong đốt nếu không cẩn thận
- Hầu hết ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, ngoại trừ ong vò vẽ. Tốt nhất là lấy vòi chích ra bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
- Rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm
- Đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng
- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu: nổi mề đay nhiều, than mệt, lạnh tay chân, tiểu máu, tiểu ít, đếm thấy ong đốt > 10 vết.
Đăng bởi: Ths.BS NGUYỄN ĐÌNH QUI (Ban Website)
Các tin khác
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em 16/06/2024
Xử trí đúng trong sơ cứu đuối nước ở trẻ em 12/08/2023