Bấm vào hình để xem kích thước thật

Cẩn trọng khi cho trẻ ăn dặm

Ngày đăng:  20/07/2020

 
Lượt xem: 6293

Trong 6 tháng đầu đời, sữa là nguồn thức ăn chính cho sự phát triển của trẻ. Khi bước sang giai đoạn ăn dặm, ba mẹ hẳn rất háo hức muốn giới thiệu nhiều loại thức ăn mới cho bé. Tuy nhiên việc lựa chọn các loại thức ăn, cách chế biến thức ăn cũng như cách cho trẻ ăn rất quan trọng vì đã có những tai nạn liên quan đến việc ăn dặm của trẻ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BS.CK1 Lê Thị Thanh Thảo – Phó khoa Hô Hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết chỉ trong vòng 2 tuần qua, khoa Hô Hấp 1 đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh liên quan đến việc bất cẩn khi cho trẻ ăn dặm. Trường hợp thứ nhất là bé T. 8 tháng tuổi, người nhà cho bé ăn cháo lươn còn sót xương lươn, mảnh xương nhỏ đã đâm thủng thực quản, xuyên vào trung thất sau làm tụ mủ, nhiễm trùng nặng, gây ảnh hưởng đến tính mạng.

 

 

Hình ảnh ổ áp xe qua phim X-Quang

 

 

Trường hợp thứ hai là bé trai 18 tháng bị mắc xương cá khi ăn cháo cá. Sau 2 tuần, nơi mắc xương nhiễm trùng, tạo ổ áp xe lớn ở thành sau họng gây khó thở dữ dội. May mắn là cả hai bé được các bác sĩ phát hiện, điều trị kháng sinh và dẫn lưu ổ mủ kịp thời. Bên cạnh đó, hàng năm khoa Hô Hấp 1 cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ho sặc thức ăn vào đường thở gây suy hô hấp hay viêm phổi tái phát phải nội soi hô hấp gắp dị vật cấp cứu.

 

 

Mảnh xương được lấy ra sau khi nội soi hô hấp

 

 

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh Dưỡng, bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo ba mẹ, những người chăm sóc trẻ cần chú ý khi cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây tai nạn như:

1. Các loại hạt nhỏ như hạt đậu phộng, hạt dưa, hạt bí, đậu hà lan, ngô… có nguy cơ  bị sặc vào đường thở vì vậy không cho trẻ dưới 5 tuổi ăn dạng hạt mà nên xắt thức ăn thành lát, xắt sợi hay băm nhỏ.

2. Các loại thực phẩm có xương hoặc vỏ cứng như xương lươn, xương cá, vỏ tôm, cua, … phải lọc bỏ kỹ phần xương và vỏ cứng.

3. Kiểm tra kĩ thức ăn trước khi cho trẻ ăn, không ép trẻ ăn hay cho trẻ ăn khi khóc. Khi cho trẻ ăn, cần quan sát trẻ, không cho trẻ ăn một mình, không vừa chơi, vừa giỡn hay vừa cười vừa ăn dễ gây sặc, hóc.

 

Các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị dị vật thức ăn đường thở/ đường tiêu hóa:

1.  Trẻ đang ăn bị ho sặc sụa, khò khè, ngạt thở, có thể bị tím tái

2.  Trẻ đau họng,  khó uống, khó nuốt, chảy nước bọt, khàn tiếng, tắt tiếng (do xương mắc vào thanh quản), trẻ bứt rứt khó chịu vì đau.

 

Khi có dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được các bác sĩ tầm soát, phát hiện và xử trí sớm dị vật, tránh xảy ra tình trạng dị vật bỏ quên gây nguy hiểm tính mạng trẻ.

 

Tác giả: - TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh Dưỡng

- BS. Nguyễn Phương Thùy – Khoa Hô Hấp 1

                                                                                    

🔗 https://www.facebook.com/bvnd2/posts/3051345728252087

 

 

Đăng bởi: Hân Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác