Dậy thì sớm ở trẻ em
Ngày đăng: 01/11/2019
Lượt xem: 22801
Dậy thì sớm trẻ em ngày càng phổ biến và được sự quan tâm của cha mẹ và xã hội là nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, qua báo, đài, internet...
Tuổi khởi phát dậy thì có khuynh hướng ngày càng sớm so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây. Được xem là dậy thì sớm nếu xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát (vú, huyết trắng, kinh nguyệt, lông mu, lông nách, tinh hoàn, dương vật…) trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.
Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát hiện diện đầy đủ, ở nữ là 10,5 - 11 tuổi, ở nam là 11,5 – 12 tuổi. Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn bé trai, gấp 5 lần. Thường gặp ở thành thị hơn nông thôn.
Dậy thì sớm được chia thành 3 nhóm:
1. Dậy thì sớm trung ương:
Do sự bài tiết quá mức hocmon sinh dục từ trên não (Hạ đồi – tuyến yên).
Đây là nhóm thường gặp nhất.
Nguyên nhân dậy thì sớm của nhóm này đa số lại là vô căn (nhất là bé gái), tức là không có nguyên nhân thực thể gây ra dậy thì sớm.
Nhóm này được điều trị bằng thuốc Triptoreline để ngăn sự phát triển nhanh các cơ quan sinh dục thứ phát.
2. Dậy thì sớm ngoại vi:
Dạng này ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận…
Nhóm nay không dùng Triptoreline để điều trị.
3. Dậy thì sớm không hoàn toàn:
Phát triển sớm, đơn độc, một đặc tính sinh dục thứ phát (VD: tăng sinh tuyến vú đơn độc)
Dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người.
Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tuổi khởi phát dậy thì, mức độ phát triển các cơ quan sinh dục thứ phát (kích thước, kinh nguyệt…), tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường sống của trẻ và gia đình...
Bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức những hành vi lạm dụng và tự bảo vệ mình.
* Lưu ý:
Không phải tất cả các trường hợp dậy thì sớm trung ương đều cần điều trị, chỉ có chỉ định điều trị với thuốc Triptoreline khi dậy thì tiến triển nhanh và/hoặc rối loạn tâm lý xã hội đáng kể . Quyết định điều trị còn tuỳ thuộc vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng.
Vì đa số nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái là nguyên nhân trung ương và vô căn, nên không ít trường hợp chính gia đình quyết dịnh không can thiệp điều trị (sau khi được bác sĩ tư vấn đầy đủ), muốn để trẻ phát triển (tự nhiên) mà không có sự can thiệp bằng thuốc từ bên ngoài đưa vào cơ thể (đơn thuần là cha mẹ chỉ muốn biết cơ thể con họ có bị (bệnh) làm sao không thôi), không có nhu cầu làm chậm quá trình dậy thì sớm của trẻ.
Chỉ định điều trị Triptoreline:
- Dậy thì sớm trung ương ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi
- Dự phòng rối loạn tâm lý ở các trẻ (và cha mẹ) nhạy cảm
- Cân nhắc từng cá thể: tốc độ dậy thì, tâm lý trẻ, hoàn cảnh kinh tế, xã hội…
Hiệu quả điều trị:
Làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triễn sinh dục thứ phát.
Khi nào thì có thể ngưng điều trị Triptoreline?
- Khi quá tuổi được xem là dậy thì sớm
- Khi không còn chỉ định chích Triptoreline
Tình hình dậy thì sớm trẻ em tại BV Nhi Đồng 2:
Hiện tại, bệnh viện Nhi Đồng 2 đang quản lí khoảng 500 trẻ dậy thì sớm, trong đó có khoảng 400 trẻ dậy thì sớm trung ương, điều trị thuốc Triptoreline. Nếu như những năm trước, mỗi tháng chúng tôi chỉ có (thêm) khoảng 5 bệnh nhân mới có chỉ định điều trị, thì trong 10 tháng đầu năm 2019, chúng tôi có thêm gần 100 ca bệnh mới, làm tăng đột biến số lượng bệnh nhân cộng dồn hàng năm, gây khó khăn cho công tác điều trị, kế hoạch dự trù thuốc Triptoreline cho cả năm…
Câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra (cho trẻ) khi chậm trễ hoặc ngưng điều trị Triptreline?
- Như đã nói ở trên, đa số dậy thì sớm trung ương là vô căn và không phải tất cả bệnh nhân dậy thì sớm đều phải can thiệp điều trị.
- Dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của trẻ. Vì vậy mục đích điều trị dậy thì sớm trung ương thực chất là muốn làm chậm lại quá trình dậy thì, chờ cho “đủ tuổi” dậy thì cho “đúng quy trình”.
- Trong quá trình điều trị, có không ít gia đình đã xin ngưng điều trị, vì trẻ và gia đình sau một thời gian được tư vấn và tìm hiểu, không còn lo lắng dậy thì sớm như lúc ban đầu, đã được sự đồng ý của bác sĩ cho ngưng điều trị.
- Vì vậy, trong quá trình điều trị vì lý do nào đó mà không thể chích thuốc đúng ngày (lễ Tết, thi học kỳ, gia đình có việc quan trọng, hết thuốc…) thì việc chích chậm trễ 1 vài tuần, gia đình không nên quá lo lắng, hoàn toàn không ảnh hưởng quá trình điều trị trước đó và tiếp theo sau này.
BS.CK2. Hoàng Ngọc Quý
Trưởng khoa Thận – Nội tiết, BV. Nhi Đồng 2
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
Chọn đúng vị trí để tiêm insulin 08/09/2015
Bảo quản thuốc đái tháo đường đúng cách 08/09/2015
Dậy Thì Sớm - Dậy thì muộn 08/11/2013
Dậy thì sớm 14/08/2013