Gửi bệnh nhi mắc bệnh thận mạn, sẽ luôn có những thiên thần đồng hành cùng các bạn!
Ngày đăng: 15/03/2024
Lượt xem: 1709
“Dù các cháu đang trải qua những khó khăn trong hành trình chăm sóc thận của mình, hãy nhớ rằng chúng tôi luôn ở đây để hỗ trợ và chăm sóc các cháu.”, TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh Trưởng khoa Thận – Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 nhắn nhủ nhân ngày Sức khỏe Thận Thế giới (14/3/2024)!
Là đơn vị chuyên khoa Nhi tuyến cuối, trung bình mỗi tháng khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 150 trường hợp bệnh thận mạn (bao gồm bệnh thận mạn cũ đang theo dõi tại khoa và các bệnh mới chẩn đoán). Mặc dù số lượng mắc mới hằng năm không nhiều nhưng vẫn tăng tích lũy theo thời gian.
►►Dịp này, TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh – Trưởng khoa Thận – Nội tiết sẽ có những thông tin gửi đến Quý phụ huynh về bệnh lý này ở trẻ em.
Theo đó, bệnh thận mạn ở trẻ là một bệnh lý liên quan đến sự suy giảm dần dần chức năng thận ở trẻ em. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và từ 6 đến 10 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi của trẻ; tỉ lệ nam, nữ tùy thuộc từng nguyên nhân cụ thể.
Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các vấn đề di truyền, bất thường cấu trúc thận bẩm sinh, viêm nhiễm, các bệnh lý hệ thống, hoặc việc sử dụng thuốc không an toàn. Một số nguyên nhân phổ biến như:
- Bất thường cấu trúc thận từ khi sinh ra, có thể là do di truyền hoặc phát triển không đúng.
- Viêm thận
- Bệnh cầu thận nguyên phát như viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư…
- Bệnh cầu thận thứ phát sau bệnh hệ thống như bệnh lupus, bệnh Henoch-Scholein.
- Sử dụng các loại thuốc không an toàn hoặc kháng viêm non-steroid không theo hướng dẫn chuyên môn có thể gây tổn thương thận.
Một vài trường hợp bệnh nhi được phát hiện bệnh ngay từ nhỏ một cách tình cờ khi siêu âm hay đến bệnh viện thăm khám vì một bệnh lý nào đó. Cũng có không ít trường hợp bệnh nhi nhập viện khi bệnh đã đến giai đoạn cuối, cần điều trị cấp cứu và phải chạy thận nhân tạo. Tức là bệnh đã diễn tiến một thời gian dài trước đó mà bệnh nhân không phát hiện để được chẩn đoán sớm!
Vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng:
- Triệu chứng gợi ý bệnh lý thận: Có triệu chứng phù, tiểu ít, tiểu đỏ, tiểu đục, tiểu đau, tiểu không tự chủ, tiểu lắt nhắt….
- Trẻ có tiền sử bất thường hệ hiệu trong thai kỳ như thận ứ nước, niệu quản giãn
- Tiền sử gia đình có bệnh lý thận mạn tính.
- Một số triệu chứng không đặc hiệu như trẻ xanh xao hay da xạm, chậm lớn, ăn kém cũng có thể là dấu hiệu báo động trẻ bệnh bệnh thận!
“Trẻ nhập viện trong tình huống cấp cứu có thể nguy hiểm đến tính mạng. Không phải cơ sở y tế nào cũng có điều kiện lọc máu, chạy thận nhân tạo cho trẻ. Tùy nguyên nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ điều trị bệnh nền và điều trị hỗ trợ để làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Một khi bệnh diễn tiến đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận như chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.”, Bác sĩ Quỳnh nhấn mạnh!
Nhân Ngày Thận Thế giới này, BS Vũ Quỳnh và khoa Thận – Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 không quên gửi đến quý phụ huynh và bệnh nhi có bệnh thận mạn những lời chúc tốt lành. Đây là dịp để nhớ đến tầm quan trọng của sức khỏe thận và cùng nhau hành động để bảo vệ và chăm sóc thận của chúng ta!
Dưới đây là những lưu ý quan trọng dành cho các trẻ có bệnh thận mạn:
- Tuân thủ điều trị: Hãy tuân thủ chế độ ăn uống và điều trị của bác sĩ. Uống đủ nước và tránh tiêu thụ quá nhiều đồ uống có chất kích thích như cafein và cồn.
- Kiểm soát huyết áp: Theo dõi huyết áp của trẻ đều đặn. Huyết áp cao có thể làm tổn thương thêm thận.
- Giữ cân nặng lý tưởng: Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh thận, việc duy trì cân nặng lý tưởng là rất quan trọng.
- Vận động thể chất: Hãy thực hiện các hoạt động thể chất phù hợp để duy trì sức khỏe toàn diện.
- Tái khám định kỳ: để các bác sĩ phát hiện vấn đề và xử trí kịp thời
- Hạn chế sử dụng thuốc không cần thiết: Một số loại thuốc có thể gây tổn thương cho thận. Hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ..
Hiện, Khoa Thận – Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 là một trong ba bệnh viện chuyên khoa Nhi tại khu vực phía Nam có thực hiện đầy đủ các biện pháp điều trị về bệnh thận mạn như: chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận. Đặc biệt biện pháp chạy thận nhân tạo và ghép thận đã được bệnh viện triển khai hơn 20 năm.
Với đội ngũ Y bác sĩ giàu kinh nghiệm, tận tâm và thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, hợp tác trong nước và quốc tế với các chuyên gia thận học giàu kinh nghiệm từ các quốc gia có nền y khoa tiên tiến như Mỹ, Úc, Pháp…, bệnh viện tự hào là nơi đáng tin cậy trong chăm sóc bệnh nhân các bệnh nhân bệnh thận mạn một cách tốt nhất!
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Chọn đúng vị trí để tiêm insulin 08/09/2015
Bảo quản thuốc đái tháo đường đúng cách 08/09/2015
Dậy Thì Sớm - Dậy thì muộn 08/11/2013
Dậy thì sớm 14/08/2013
Bệnh tiểu đường ở trẻ em và thanh thiếu niên 25/06/2012