Bấm vào hình để xem kích thước thật

Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu của thành phố mang tên Bác

Ngày đăng:  01/03/2017

 
Lượt xem: 11589

Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa công bố Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2017. Theo đó, có 27 y, bác sĩ trẻ được vinh dự nhận giải thưởng với các sáng kiến tiêu biểu mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Giải thưởng là sự tôn vinh những cán bộ y tế đã hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phó Bí thư thường trực Thành đoàn TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho rằng, sự tôn vinh này chính là thành quả của cả quá trình thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 62 năm qua; là sự ghi nhận những nỗ lực của các chiến sĩ áo trắng luôn có mặt tại các chiến trường để cứu chữa kịp thời thương, bệnh binh, phục vụ đắc lực cho các mặt trận. Rất nhiều cán bộ y tế đã hy sinh, hiến trọn đời mình cho Tổ quốc và niềm tự hào về nghề nghiệp mà tiêu biểu nhất là tấm gương của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Noi gương ông, nhiều thế hệ thầy thuốc trẻ đã và đang ra sức cống hiến, viết tiếp những trang sử đầy tự hào của ngành y tế cách mạng Việt Nam, xứng danh với tên gọi “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

 

Có thể kể đến bác sĩ (BS) Lê Phước Đại hiện công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy với đề tài “Ứng dụng xét nghiệm nhanh tại giường bệnh trong việc chẩn đoán sớm tại khoa cấp cứu”. Nghiên cứu này đã góp phần chẩn đoán nhanh, chính xác, từ đó giúp người bệnh giảm thời gian nằm viện điều trị và đỡ tốn kém hơn. Hay như BS Lê Thị Huệ (Khoa Nội Cơ xương khớp - Bệnh viện Thống Nhất) với sáng kiến “Nghiên cứu mối liên quan giữa tăng huyết áp và loãng xương” nhằm xác định tỷ lệ loãng xương trên người bệnh tăng huyết áp và mối liên quan giữa tăng huyết áp với loãng xương cũng như mối liên quan giữa tăng huyết áp và nguy cơ gãy xương. Sáng kiến này đã giúp các bác sĩ có kế hoạch điều trị, tư vấn cho người phòng ngừa loãng xương và biến chứng gãy xương do loãng xương. Nâng cao chất lượng sống, giảm chi phí điều trị những biến chứng nặng nề của loãng xương…


Bác sĩ Lâm Thiên Kim (Bệnh viện Nhi Đồng 2) với sáng kiến “Sinh thiết hút trực tràng trong chẩn đoán bệnh Hirschsprung với nhuộm H & E và dấu ấn miễn dịch calretinin” đã giúp chẩn đoán chính xác nhiều trường hợp nghi mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh hay còn gọi là bệnh Hirschsprung. BS Thiên Kim giải thích: Sinh thiết hút là kỹ thuật lấy mẫu mô vùng trực tràng trước phẫu thuật, ngoài ra còn giúp phát hiện những bất thường thần kinh ruột kèm theo. Nhuộm calretinin là ứng dụng mới nhất trong chẩn đoán bệnh Hirschsprung trên thế giới và rất lạ lẫm đối với ngành y tế trong nước. Trước khi có sinh thiết hút, bệnh Hirschsprung được chẩn đoán dựa vào bệnh sử, X quang đại tràng cản quang, giải phẫu bệnh sau mổ. Trước đó, BS Thiên Kim đã nghiên cứu trong một năm đối với những người bệnh nghi ngờ bị phình đại tràng bẩm sinh. Tổng cộng có 188 trẻ em được tiến hành sinh thiết hút cho độ chẩn đoán chính xác là 99,5% và không có biến chứng nghiêm trọng liên quan đến sinh thiết hút.

 

Bác sĩ Lâm Thiên Kim (Bệnh viện Nhi Đồng 2) - Gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu

nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2017

 

Nhiều người không bất ngờ khi BS chuyên khoa một Trần Minh Quang của Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh được vinh dự nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch với sáng kiến “Đánh giá hiệu quả hạ huyết áp của châm cứu huyệt Thần môn và Nhĩ môn ở loa tai trên người bệnh tăng huyết áp”. Đây là nghiên cứu với thiết kế thử nghiệm lâm sàng không nhóm chứng, nhằm thăm dò hiệu quả thật sự của nhĩ châm đối với người bệnh tăng huyết áp. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả tức thời của nhĩ châm trong việc kiểm soát huyết áp. Trong một số trường hợp cụ thể, cần ổn định huyết áp nhanh, bằng các phương pháp hỗ trợ không dùng thuốc, nhĩ châm là phương pháp có thể được chọn lựa. Được biết phương pháp được nhóm nghiên cứu ứng dụng từ năm 2015. Đây là chứng cứ góp phần khẳng định hiệu quả của ngành y học cổ truyền trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam mang tính dân tộc, đại chúng và khoa học.

 

Trong khi đó, BS Trần Đặng Xuân Tùng (Bệnh viện tư nhân Vạn Hạnh) cũng được trao giải với sáng kiến “Sử dụng hỗn hợp tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối”. Hiệu quả của việc ghép tự thân hỗn hợp tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị thoái hóa khớp là an toàn và có hiệu quả hơn phương pháp cắt lọc truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị. Người bệnh phục hồi nhanh và bắt đầu cuộc sống khỏe hơn. Nghiên cứu này đã được Bộ Y tế cho phép ứng dụng trên lâm sàng.

 

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định, phương châm đổi mới của ngành y tế là kế thừa, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, kết hợp chặt chẽ giữa công tác dự phòng và điều trị, lấy dự phòng làm chính, đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở, đồng thời triển khai các đơn vị y tế chuyên sâu, từng bước xây dựng ngành y tế thành phố phát triển bền vững. Vì vậy, những thầy thuốc trẻ trong ngành y cần trân trọng sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ y tế qua các thời kỳ, qua đó đưa ra nhiều sáng kiến giải pháp mới, không ngừng trau dồi học tập để cùng toàn ngành đưa TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước.

 

Nguồn:  Báo Nhân Dân

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/32168402-nhung-thay-thuoc-tre-tieu-bieu-cua-thanh-pho-mang-ten-bac.html

 

Đăng bởi: Nguyễn Thị Thu Hân

[Trở về]

Các tin khác