HIỆU QUẢ CỦA ETHOSUXIMIDE TRONG ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH CƠN VẮNG Ý THỨC Ở TRẺ EM
Ngày đăng: 02/04/2010
Lượt xem: 10615
Theo báo cáo trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, một nghiên cứu tiến hành trên 453 trẻ em tại 32 trung tâm y khoa ở Mỹ cho thấy ethosuximide (một trong những thuốc trị động kinh lâu đời ở Mỹ) có hiệu quả nhất trong kiểm soát động kinh cơn vắng ý thức, với tác dụng phụ ít nhất. Đứng thứ hai là acid valproic, và thuốc mới nhất là lamotrigine đứng hàng thứ ba.
Tại Mỹ, khoảng 1% trẻ em mắc bệnh động kinh và 10% trong số đó là động kinh cơn vắng ý thức. Theo bác sĩ Tracy A. Glauser (giám đốc trung tâm động kinh tại Bệnh viện Nhi Cincinnati) - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, đây là bằng chứng rõ rệt đầu tiên trong việc so sánh ba loại thuốc điều trị động kinh thường được sử dụng nhất và đã cho thấy một thuốc tốt hơn hai thuốc còn lại.. Nghiên cứu cũng tiến hành đo điện não đồ thường xuyên để đánh giá hoạt động của não, kết quả cho thấy bệnh nhi thường có vấn đề về khả năng chú ý.
Nghiên cứu thực hiện trên trẻ em từ 2,5 đến 13 tuổi, mới được chẩn đoán động kinh và không mắc thêm bệnh nào khác. Trẻ được cho sử dụng ngẫu nhiên một trong ba loại thuốc điều trị động kinh trên. Nghiên cứu đánh giá trước tiên về khả năng kiểm soát cơn động kinh và không xuất hiện các tác dụng phụ không thể dung nạp được sau 16 tuần, một vài bệnh nhi được theo dõi tiếp tục trong 20 tuần. Nghiên cứu cũng đánh giá xem thuốc ảnh hưởng như thế nào đến khả năng chú ý của trẻ.
Kết quả cho thấy ethosuximide có tác dụng phòng ngừa cơn động kinh trên 53% bệnh nhi, thấp hơn một ít so với acid valproic (58%) nhưng cao hơn lamotrigine (29%). Nhưng chỉ có 33% bệnh nhi dùng ethosuximide mà ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chú ý so với 49% ở bệnh nhi dùng acid valproic.
Điều bất ngờ là thuốc thế hệ cũ nhất (ethosuximide) lại cho hiệu quả điều trị tốt như các thuốc khác và có ít tác dụng phụ hơn. Do vậy, nghiên cứu này đã đề ra chiến lược trị liệu là khởi đầu điều trị với ethosuximide. Nếu ethosuximide không có hiệu quả sau 4 đến 5 tháng thì cần chuyển sang dùng acid valproic. Nếu vẫn không có hiệu lực thì sử dụng lamotrigine hoặc dùng phối hợp thuốc. Hơn 90% bệnh nhi đáp ứng với một trong các phác đồ trên.
Nghiên cứu trên đã nêu bật tầm quan trọng của việc đánh giá đồng thời hiệu quả kiểm soát cơn động kinh lẫn ảnh hưởng của thuốc lên khả năng chú ý và hành vi. Với liệu pháp điều trị thích hợp, hầu hết trẻ em bệnh động kinh cơn vắng ý thức sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Đăng bởi: DS. ĐOÀN VÂN TUYỀN, DS. TRẦN THỊ THANH VUI Nguồn: New England Journal of Medicine, March 4, 2010
Các tin khác
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 5 / 2013 21/08/2013
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 6 / 2013 21/08/2013