Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tình trạng dinh dưỡng trẻ lứa tuổi tiểu học

Ngày đăng:  21/03/2012

 
Lượt xem: 16898

Quá trình hấp thu dưỡng chất vô cùng quan trọng, nhất là ở trẻ em, khi nhu cầu về phát triển, tăng trưởng cao hơn so với người lớn.  Lứa tuổi tiểu học (6-12 tuổi) là lúc trẻ tập trung phát triển khả năng tư duy, trí nhớ, các kỹ năng đọc, viết, tính toán…Do đó, trẻ cần có một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, học tập hợp lý nhằm tối ưu hóa sự phát triển.

 

Mỗi năm trẻ 6-12 tuổi tăng từ 2-3kg và 5-8cm. Trẻ cần cung cấp 1600-2200 kcal, 36-50g đạm, 25-30g béo, 500-700mg canxi/ ngày (Bảng Nhu cầu Dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt nam). Việc cung cấp quá thiếu hay thừa chất dinh dưỡng đều gây hậu quả không tốt cho trẻ. Trẻ béo phì hoặc suy dinh dưỡng đều học kém, khó tập trung, trí nhớ giảm.

 

Theo 1 nghiên cứu gần đây của Viện Dinh dưỡng về khẩu phần ăn ở trẻ 6-11 tuổi, một số chất dinh dưỡng cung cấp vượt quá cao so với nhu cầu đề nghị như đạm, canxi, vitamin A, C, trong khi sắt đáp ứng  khoảng 75% và vitamin B1, B2, PP chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.  Với khẩu phần ăn trên, tỷ lệ học sinh thừa cân là 9,4%, béo phì là 2,8%  và tỷ lệ học sinh có cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi thấp dưới - 2SD (suy dinh dưỡng) khoảng 2%. Nếu ăn quá nhiều đạm cũng làm mất canxi, như vậy chiều cao sẽ không tốt. Trẻ thiếu máu thiếu sắt sẽ thường xuyên buồn ngủ, uể oải, hay quên và chán học. Việc lựa chọn những thực phẩm dễ hấp thu cũng cần được xem xét khi xây dựng thực đơn cho trẻ. Đạm động vật, nhất là đạm từ cá, trứng, sữa sẽ dễ hấp thu (tỉ lệ hấp thu >95% so với đạm thực vật là 70-80%), cũng như có nhiều sắt, kẽm, vitamin B2, PP, B12…phù hợp với trẻ, do đó nên giữ ở mức 50-60% tổng lượng đạm theo nhu cầu. Hấp thu đạm và bột đường đều tốt hơn khi thức ăn được nấu chín. Các lọai chất béo không no có lợi cho sức khỏe hơn, có trong mỡ cá và dầu thực vật (trừ dầu dừa và dầu cọ) cũng được hấp thu tốt hơn mỡ động vật giàu chất béo no.

 

Kết quả 1 nghiên cứu năm 2007 được TS Nguyễn Quang Dũng, Viện Dinh dưỡng  báo cáo cho thấy học sinh từ 9-11 tuổi tại 4 trường của Hà Nội và TPHCM có tỷ lệ béo phì là 1,1%, 7,1%, 10,8%, có trường cá biệt lên tới 41,1%. Đó là hậu quả của việc sử dụng quá dư thừa năng lượng, nhiều thức ăn giàu béo, đường và ít vận động. Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ, các nghiên cứu cho thấy trẻ đi học thường ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo trong khi quá dư thừa các loại fast food và sản phẩm chứa đường đơn. Bên cạnh đó, tỉ lệ thấp còi của trẻ em Việt nam vẫn vào khoảng 30%, chứng tỏ vẫn còn suy dinh dưỡng trong quá khứ ảnh hưởng nhiều đến chiều cao của trẻ. Cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng đủ chất, dễ hấp thu, giàu rau, trái cây và các sản phẩm từ sữa, hạn chế lượng chất béo và đường trong chế độ ăn của trẻ tiểu học. Ngoài ra, phải cho trẻ có thời gian vận động 1-2h/ngày, vừa hạn chế thừa cân béo phì, vừa giúp hấp thu tốt các chất, hạn chế táo bón, vừa giúp tăng cường sức khỏe và phòng chống các bệnh mạn tính về sau.

 

Ở trẻ tiểu học, ngoài những bệnh lý của đường tiêu hóa như tiêu chảy, viêm dạ dày, viêm tụy, rối loạn khuẩn ruột…,nhiễm ký sinh trùng đường ruột vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây kém hấp thu. Một nghiên cứu năm 2008 tại New Delhi, Ấn độ cho thấy 82% trẻ bị hội chứng kém hấp thu có nhiễm ký sinh trùng đường ruột (tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng ở nhóm chứng là 16%). Loại ký sinh trùng thường gặp là Giardia intestinalis, Cryptosporidium parvum, Isospora belli, Cyclospora cayetanensis và microsporidia. Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy việc số giun giúp trẻ tăng cân và chiều cao tốt hơn nhóm không được sổ ( Lê Nguyễn Bảo Khanh). Do đó, cần chú ý giữ vệ sinh ăn uống và sổ giun định kỳ cho trẻ.

 

Giữ răng khỏe mạnh cũng giúp quá trình hấp thu thức ăn tốt hơn. Trẻ tiểu học bắt đầu thay dần răng sữa bằng răng vĩnh viễn. Ngày 10/12/2008, tại hội nghị Nha học đường toàn quốc, TS.Trịnh Đình Hải - Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt Quốc gia cho biết 83,9 %  trẻ em Việt Nam từ 6-8 tuổi bị sâu răng sữa với trung bình mỗi trẻ có 6 răng sữa bị sâu và hầu hết không được điều trị. Đặc biệt có tới gần 90% trẻ em bị lệch lạc về răng. Đây cũng là tình trạng thường gặp, gây nên biếng ăn, khó tiêu, kém hấp thu và suy dinh dưỡng ở những trẻ đến khám tư vấn dinh dưỡng tại bệnh viện.

Đăng bởi: BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu

[Trở về]

Các tin khác