Thuốc hạ sốt làm giảm tái phát co giật do sốt ở trẻ em
Ngày đăng: 12/12/2010
Lượt xem: 7780
Sốt cao co giật xuất hiện đặc trưng ở độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi với tỷ lệ mắc bệnh ước đạt ở Châu Âu và Bắc Mỹ là 3% đến 5%. Đối với sốt co giật “đơn giản” (kéo dài dưới 15 phút và không tái phát trong vòng 24 giờ), nguy cơ động kinh sau đó có thể không có sự khác biệt so với toàn dân số.
Thử nghiệm ngẫu nhiên mù đôi có kiểm soát được tiến hành bởi Strengell và cộng sự tại 5 bệnh viện ở Phần Lan nghiên cứu về tác dụng dự phòng thứ phát co giật do sốt của các thuốc hạ sốt. Tiến hành trên 231 trẻ (95 nữ và 136 nam) có cơn sốt co giật đầu tiên ở độ tuổi 4 tháng đến 4 tuổi. Trong số những cơn co giật này, 168 cơn (73%) được xếp loại là cơn đơn giản và 63 cơn (27%) là cơn phức tạp. Trẻ tham gia thử nghiệm được ngẫu nhiên cho điều trị liên tục với bước 1: diclofenac đường trực tràng (thuốc đạn 1.5 mg/kg) hoặc giả dược; bước 2: ibuprofen đường uống (10 mg/kg), acetaminophen (paracetamol 15 mg/kg) hoặc giả dược. Sự can thiệp này được thực hiện trong suốt những lần sốt sau đó nếu nhiệt độ của trẻ đo tại hậu môn hay màng nhĩ ≥38°C.
Tiến hành theo dõi trong 2 năm, kết quả cho thấy 40 trẻ không tái phát cơn sốt hoặc có can thiệp, trong số 191 trẻ còn lại có 851 cơn sốt được báo cáo. Sốt co giật tái phát trên một lần được báo cáo trong số 54 trẻ (23%), và 1 trường hợp có 7 cơn sốt co giật. Sự tái phát được báo cáo ở 37/168 (22%) trẻ với cơn sốt co giật ban đầu đơn giản, và 17/63 (27%) trẻ với cơn sốt co giật ban đầu phức tạp, do vậy kiểu sốt co giật ban đầu không dự đoán được chắc chắn về nguy cơ tái phát. Sự tái phát ở bệnh nhân được ngẫu nhiên cho dùng thuốc hạ sốt (bước 1 hoặc 2 hoặc cả 2 bước) là 46/197 (23%), so sánh với 8/34 (24%) bệnh nhân dùng giả dược ở cả 2 bước. Các tác giả cũng báo cáo 1 phân tích về cơn co giật tái phát trong những lần sốt sau đó là 10,9% ở nhóm dùng 1 hay nhiều thuốc hạ sốt và 7,4% ở nhóm dùng giả dược.
Một vấn đề trong nghiên cứu này là nhân viên y tế được phép chỉ định thêm một liều paracetamol nếu thân nhiệt trẻ vượt quá 40°C. Điều này được thực hiện trên 142 (61%) trẻ tham gia và có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Các tác giả khẳng định rằng tác động này không ảnh hưởng quan trọng đến kết quả vì sự phân bố các trường hợp dùng thêm paracetamol có thể so sánh được trên mỗi nhóm trị liệu.
Trong phần giới thiệu, tác giả đã bàn về tính không đồng nhất về tác dụng của các thuốc hạ sốt liên quan đến tác động khác nhau của chúng trên sự tổng hợp prostaglandin và làm thế nào một vài thuốc hạ sốt có xu hướng kích thích co giật do sốt. Thiết kế nghiên cứu tương đối phức tạp, những trẻ tham gia được nhận 2 trong số 6 chế độ điều trị ngẫu nhiên với 2 thuốc hạ sốt. Nếu 1 hay nhiều hơn các thuốc hạ sốt này có xu hướng làm tăng nguy cơ, sẽ có sai lệch khi so sánh các can thiệp chỉ với giả dược.
Tuy nhiên, các phát hiện trong nghiên cứu này phù hợp với những nghiên cứu trước đó về vai trò của thuốc hạ sốt trong dự phòng thứ phát sốt co giật. Schnaiderman và cộng sự đã báo cáo rằng không có sự giảm nguy cơ tái phát sốt co giật với paracetamol chỉ định trong vòng 24 giờ sau cơn sốt co giật. Uhari và cộng sự cho rằng không có lợi ích khi chỉ định paracetamol cho bệnh nhân có nhiệt độ ≥38.5°C. Van Esch và cộng sự cho rằng ibuprofen làm hạ nhiệt độ cơ thể tốt hơn paracetamol nhưng không làm giảm tái phát sốt co giật có ý nghĩa. Van Stuijvenberg và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát so sánh ibuprofen và giả dược cho kết quả tỉ lệ tái phát trong 2 năm tương ứng với 32% và 39%, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
Thuốc hạ sốt kháng viêm không steroid có hiệu quả hơn paracetamol trong giảm sốt và co giật do sốt cao, nhưng các thuốc hạ sốt không làm giảm nguy cơ tái phát sốt co giật. Thuốc hạ sốt có thể tiếp tục được khuyến cáo sử dụng để kiểm soát triệu chứng vì hạ sốt sẽ làm trẻ dễ chịu hơn. Để giảm nguy cơ tái phát sốt co giật, vẫn còn một vấn đề: liệu rằng đích tác động là các prostaglandin đặc hiệu có phải là một chiến lược hiệu quả hơn.
Nguồn: Antipyretic agents for preventing recurrences of febrile seizures: randomized controlled trial. Arch Pediatr Adolesc Med 2009;163:799–804.
Đăng bởi: DS Đoàn Vân Tuyền, DS Nguyễn Thị Ngọc Dung
Các tin khác
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 5 / 2013 21/08/2013
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 6 / 2013 21/08/2013