Suyễn là bệnh mãn tính có thể dự phòng được và đa số có tiên lượng tốt ở trẻ em.
Ngày đăng: 14/03/2010
Lượt xem: 9538
Đa số trẻ bị suyễn đều có tiền căn từ gia đình có người có cơ địa dị ứng như viêm mũi dị ứng , nổi mề đay , suyễn hay viêm xoang dị ứng v.v.. Tuy nhiên càng ngày người ta phát hiện ra có nhiều trẻ sống ở thành thị, nhiều trẻ sống nơi dân cư đông đúc , bụi bặm ẩm thấp, nơi ô nhiễm vì khói, bụi, …dễ bi suyễn cho dù không có tiền căn gia đình dị ứng..và vài nghiên cứu được công bố là ở trẻ dùng nhiều thuốc lúc nhỏ như kháng sinh trước 1 tuổi , và dùng thường xuyên thuốc hạ sốt cũng dễ bị mắc suyễn sau này hơn. Những trẻ sanh non trước 36 tuần và những trẻ không được bú sữa mẹ cũng dễ mắc bệnh suyễn hơn.
Những trẻ bị suyễn thường hay có những cơn khò khè – khó thở tái đi tái lại, nhất là khi bị nhiễm virus đường hô hấp trên hoặc khi tiếp xúc với những chất gây ra dị ứng , gọi là dị ứng nguyên, bệnh có tự khỏi hoặc có thể kéo dài suốt đời.
Dị ứng nguyên có thể là từ thức ăn như sữa bò, trứng , đồ biển , đậu phộng, v.v…có thể là từ môi trường như phấn hoa, các loại cỏ, xác của các loại ký sinh trùng như mạt trong nệm ngủ, drap giường, bò chét, ve, lông thú, các hóa chất hít phải hay khói thuốc lá, v.v.. Bệnh khởi phát sau khi tiếp xúc với các dị ứng nguyên trên. 90% trẻ có tiền căn suyễn sau khi bị nhiễm siêu vi đường hô hấp trên, trẻ sẽ có triệu chứng khò khè, ho nhiều, lên cơn ở nhiều mức độ, thở khó đôi khi có tiếng rít và nhanh chóng đi đến suy hô hấp như thở nhanh , vã mồ hôi, tay chân lạnh.
Đôi khi suyễn không biểu hiện rõ nét. Phụ huynh chỉ đưa cháu đi khám vì thấy con mình cứ ho hoài về đêm. Và cần phải lưu ý ở trẻ có hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, cũng là một trong những yếu tố gây cơn suyễn.
Suyễn dự phòng được không và như thế nào?
Đa số là được , nếu như ta biết được dị ứng nguyên mà tránh cho các cháu.
Bệnh nhân suyễn cần được chăm sóc và điều trị lâu dài. Cụ thể, phải tránh những yếu tố có thể làm khởi phát cơn suyễn, thuốc chỉ là phụ. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng tìm ra được dị nguyên và đôi khi dị nguyên là nhiều chất hay nhiều tác nhân cùng một lúc.
Ví dụ như cháu Bi cứ bị ho đi ho lại, lên cơn khò khè hoài , hỏi tiền sử bệnh thỉnh thoảng cháu cũng hay nổi mề đay hay phát ban dị ứng. Khi còn bú mẹ hoàn toàn, mỗi lần mẹ Bin ăn trứng hay bún mắm là Bin bị nổi mề đay . Và từ lúc mẹ đi làm, cháu thôi không bú mẹ, mà bú sữa bò thì bị nhiều hơn nữa, và xuất hiện nhiều đợt ho khò khè. Sau khi được tư vấn ngưng sữa bò, chuyển sang bú sữa “ không có đạm sữa bò” thì cháu bớt hẳn. Trong trường hợp của Bin, lúc đầu dị ứng nguyên là trứng và mắm từ sữa mẹ khi mẹ ăn, và lúc sau dị ứng nguyên là đạm của sữa bò.
Hoặc có cháu Tùng 5t và em là Ngọc 3t thường xuyên bị ho và khò khè , khi làm test dị ứng thì phát hiện ra dị ứng với một số loại cỏ, thì ra là cửa sổ phòng các cháu mở ra khu vườn sau nhà đầy cây cỏ, và được người làm vườn phun hóa chất mỗi sáng. Từ lúc ba mẹ cho bố trí lại cửa sổ thì 2 anh em ít gặp bác sĩ hơn.
Em Bin 4t là cục cưng và là cháu nội đích tôn của dòng họ , tuy nhiên em thường xuyên bị khò khè và ho vể đêm nhiều, đã điều trị nhiều nơi và nhiều loại thuốc nhưng không khỏi, cứ tái đi tái lại. Sau khi thăm khám và hỏi kỹ về môi trường ở của Bin , Bác sĩ mới biết em được tặng rất nhiều gấu bông và thú nhồi bông, đặc biệt có con chó lông xù em rất thích, lúc nào đi ngủ Bin cũng ôm chó bông vào lòng và cọ vào mũi mình. Từ lúc bs khuyên dẹp thú nhồi bông Bin nhà ta khỏe hẳn ra.
Còn cháu Đăng Khoa từ nhỏ không khò khè , thỉnh thoảng em có bị dị ứng khi ăn tôm , 1 hay 2 lần trong năm em bị sốt , Bs khám cho kháng sinh vì viêm họng . Từ năm lớp lá em xuất hiện cơn khó thở phải đi cấp cứu . Sau đó xuất hiện thêm vài cơn trong 1 năm và nhất là khi chạy nhảy. Em được hướng dẫn điều trị dự phòng và tập bơi lội. Hiện tại em học lớp 2 và ít khi lên cơn.
Chạy nhảy gắng sức là một yếu tố dễ làm trẻ lên cơn nhưng không vì thế mà cấm không cho trẻ chạy nhảy. Tuy nhiên phải hạn chế và có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Dự phòng bằng thuốc khi nào?
Thuốc thường được chỉ định nếu trẻ thường xuyên bị lên cơn hoặc đã từng lên cơn nặng. Việc điều trị bằng thuốc phải kéo dài nhiều tháng , đôi khi 1 năm hay hơn. Trước khi ngưng thuốc, cũng cần cho giảm liều từ từ rồi mới ngưng hẳn.
Hiện nay thuốc được dùng để cắt cơn suyễn là thuốc dùng bằng đường khí dung, hiệu quả và an toàn hơn thuốc uống và thuốc tiêm. Tuy nhiên không phải các ba mẹ nào cũng dễ chấp nhận chuyện con mình bị suyễn. Anh Tâm và chị Phụng sau khi được bác sĩ tư vấn và giải thích con trai 5t bị suyễn cần phải điều trị khí dung để cắt cơn, thì nhất quyết không đồng ý cho xông khí dung vì sợ cháu sẽ quen thuốc. Và khi đã được Bác sĩ thuyết phục để cứu chữa cháu bé, và khi xuất viện về cũng không tuân thủ đúng theo hướng dẫn, vì lý do là sợ con mình quen thuốc. Đến khi cháu lên cơn nặng phải nằm hồi sức thì anh chị mới hối hận và hứa tuân thủ lời dặn.
Nên nhớ các thuốc sử dụng trong điều trị suyễn với liều thông thường không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất của trẻ , nhất là khí dung. Ngược lại nếu bệnh suyễn được điều trị dự phòng tốt (nhờ thuốc và các biện pháp chăm sóc khác) trẻ còn khả năng phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nên nhớ vai trò người thầy thuốc ở đây tuy quan trọng, để chỉ ra phương pháp nào là tối ưu cho con trẻ, nhưng vẫn không quan trọng bằng vai trò của cha mẹ , gia đình, là những người trực tiếp nuôi dạy trẻ và sống cùng môi trường với trẻ. Và ở một mức độ nào đó,. bản thân trẻ cũng phải được dạy là con bị dị ứng với cái gì và cần tránh cái gì, và nên dự phòng như thế nào, và khi lên cơn khó thở thì sẽ làm gì. Đó là một việc mà các nước tiên tiến trên thế giới đã làm.
Nguyên tắc điều trị suyễn:
- Tránh dị ứng nguyên nếu biết.
- Dùng thuốc cắt cơn suyễn. Cho thở khí dung có thể đến cơ sở y tế để thở, nếu bé thường xuyên lên cơn , nên có một ống hít sẵn ở nhà (babyhaler) và thuốc cắt cơn.
- Uống thuốc dự phòng và khí dung dự phòng.
- Nên được theo dõi thường xuyên bởi các bác sĩ nhi hoặc bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
- Không được tự ý dùng thuốc hoặc bỏ thuốc.
- Điều trị suyễn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và gia đình bệnh nhi.
Đăng bởi: BS.CK2. Nguyễn Thị Thanh - TK.Dịch Vụ 1.
Các tin khác
Hướng dẫn sử dụng bình xịt định liều có buồng đệm đến phụ huynh trẻ dưới 5 tuổi mắc hen phế quản 24/11/2024
Ho ở trẻ là phản xạ có lợi 18/09/2023
Tác Hại Của Thuốc Lá Điện Tử 30/05/2023
Cảnh giác dị vật đường thở 24/02/2021
Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Đường Hô Hấp Trên 22/10/2020
5 cách để quản lý suyễn 25/09/2018