Bấm vào hình để xem kích thước thật

Vì tình yêu trẻ thơ

Ngày đăng:  26/02/2017

 
Lượt xem: 9186

Điều dưỡng là công việc “làm dâu trăm họ”, bởi tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều bệnh nhân và thân nhân của họ, hỗ trợ người bệnh vượt qua những giai đoạn khó khăn trong quá trình điều trị. Nhưng đối với một điều dưỡng bệnh nhi, công việc này đòi hỏi nhiều hơn chỉ chăm sóc, hướng dẫn. Nhưng Trần Thị Thùy Linh (sinh năm 1985, công tác tại bệnh viện Nhi Đồng 2) không chỉ là một điều dưỡng viên y đức mà còn là một cán bộ Đoàn nhiệt huyết của cơ sở.

“Khi nhìn thấy bệnh nhi phục hồi và ra về, trong lòng mình thấy vui lắm!”

Được sự ủng hộ của gia đình, Thùy Linh theo đuổi đam mê làm việc trong ngành y, phục vụ cho cộng đồng. Sau khi tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng trường Đại học Y Dược TP. HCM, Linh lựa chọn công tác tại khoa nội thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 2 từ năm 2005, Linh tâm sự: “Mình rất là yêu trẻ nhỏ! Nên ra trường là mình quyết định gắn bó với nơi này ngay”. Linh chia sẻ thêm, công việc điều dưỡng đặc biệt lại là điều dưỡng cho bệnh nhi cũng có đôi lúc khiến cô rất áp lực. Vì bệnh nhân ở khoa thần kinh tuy không đau đớn nhiều về thể xác nhưng cần phải theo dõi liên tục những biểu hiện bệnh, hơn nữa phụ huynh bệnh nhi cũng rất căng thẳng và lo lắng khi có con bệnh. Song những áp lực đó dường như không cản trở được cô theo đuổi đam mê công việc này bởi: “Khi nhìn thấy bệnh nhi phục hồi và ra về, trong lòng mình thấy vui lắm!” Linh bày tỏ. Được tận mắt chứng kiến Thùy Linh chăm sóc cho các bệnh nhi, mới thấy rõ được sự khó khăn của công việc điều dưỡng này. Các y tá vừa phải là người có chuyên môn thao tác nhanh chóng, thuần thục các kỹ thuật y khoa, vừa phải là người bạn, người “mẹ” ân cần để bệnh nhi tin tưởng và hợp tác.

 

Điều dưỡng là cánh tay đắc lực của bác sĩ trong quá trình điều trị của bệnh nhi.

 

Hiểu được công việc đang làm là rất quan trọng, là người trực tiếp theo dõi bệnh nhân cùng bác sĩ, Linh luôn nỗ lực để trau dồi thêm kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Cũng chính cái tâm với cái nghiệp đã chọn, Trần Thị Thùy Linh đã thực hiện những nghiên cứu khoa học cũng như có những sáng kiến phục vụ cho công việc được hiệu quả hơn. Năm 2014, cô đã có đề tài nghiên cứu “Kiến thức, thái độ, hành vi của thân nhân bệnh nhi đo điện não đồ tại khoa Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 2 năm 2014” và sáng kiến “Tờ bướm truyền thông về quy trình đo điện não đồ” nhằm giúp cho bệnh nhân và phụ huynh có kiến thức cơ bản về đo điện não để hợp tác tốt hơn trong quá trình điều trị. Với nghiên cứu và sáng kiến này cùng với nhiều thành tích trước đó, Thùy Linh đã nhận được giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần IV năm 2015.

Đến năm 2016 vừa qua, Thùy Linh tiếp tục triển khai thêm một đề tài nghiên cứu cùng với một đồng nghiệp của mình: “Đánh giá mức độ hài lòng của thân nhân bệnh nhi khi tiến hành lau mát cho trẻ < 5 tuổi bị sốt đang điều trị tại khoa Thần Kinh bệnh viện Nhi Đồng 2 năm 2016”. Linh cho biết trong nghiên cứu của mình, vì sốt là một triệu chứng phổ biến trong nhi khoa- một trong những ảnh hưởng của sốt gây nguy hiểm và sợ hãi cho than nhân là tình trạng co giật. Khi thấy bệnh nhi có dấu hiệu sốt, nhiều thân nhân rất lo lắng, muốn giảm sốt nhanh chóng cho con em và một trong những phương pháp được lựa chọn đa phần là lau mát cho trẻ. Nhưng sau thời gian quan sát, Thùy Linh nhận thấy phương pháp lau mát dân gian cho trẻ của phụ huynh chưa thực sự chính xác và đúng quy trình, cô quyết định tiến hành nghiên cứu này, xem xét thái độ của thân nhân khi điều dưỡng tiến hành lau mát để có phương pháp phù hợp hướng dẫn phụ huynh thao tác lau mát cho bệnh nhi. Linh mỉm cười: “ Trong thời gian thực hiện đề tài, nhiều phụ huynh cũng chưa nắm được ý nghĩa nghiên cứu nên ban đầu chưa hợp tác, mình phải kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn cặn kẽ, sau đó phụ huynh hiểu ra và rất hợp tác với mình, giúp mình hoàn thành các mẫu khảo sát.”

Với Thùy Linh, việc liên tục học hỏi và nghiên cứu dường như là một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày cũng như con đường dài theo đuổi cái nghề “dâu trăm họ”.

 

Một cán bộ đoàn nhiệt huyết

Cường độ làm việc ở môi trường bệnh viện khá cao, nhà lại ở xa (Thùy Linh hiện đang sinh sống tại huyện Củ Chi), nhưng Linh vẫn sắp xếp khoảng thời gian ngoài ca làm ít ỏi để tham gia các hoạt động Đoàn của cơ quan. Linh cởi mở chia sẻ: “Hồi trước mình cũng khá…..nhát. Nên mình quyết định tham gia các hoạt động đoàn để rèn luyện thêm khả năng giao tiếp cũng như có thêm cơ hội cống hiến sức lực cho xã hội. Nên cứ có thời gian là mình hoạt động, bất cứ lúc nào.” Hiện tại Linh đang giữ vị trí Ủy viên ban  chấp hành chi đoàn 4, bệnh viện Nhi Đồng 2. Cô điều dưỡng viên nhỏ nhắn tham gia vào các hoạt động thiện nguyện tại bệnh viện, tổ chức chương trình Ngày tết quê em, Ngày Chủ Nhật Xanh, tham gia những chuyến đi khám chữa bệnh- tuyên truyền phòng bệnh cho bà con vùng xa Bình Phước, Củ Chi, … Thùy Linh bồi hồi nhớ lại, có những chuyến đi mà cô rất xúc động vì ánh mắt của đám trẻ nhỏ nơi đây khi cái kẹo cái bánh còn là thứ lạ lẫm, điều kiện rất thiếu thốn, từ đó cô càng muốn cống hiến, muốn đi nhiều hơn để mang lại những giá trị cho xã hội, cũng là nuôi dưỡng tâm hồn của chính mình.  Với Linh,  tuổi trẻ của cô là những năm tháng miệt mài nghiên cứu, hoạt động vì xã hội không ngừng nghỉ. Chứng minh rõ ràng nhất cho tuổi trẻ năng động của Linh là nhiều năm liền cô được khen thưởng danh hiệu Đoàn viên xuất sắc, Danh hiệu Lao động tiên tiến, giấy khen của Ban chấp hành Đoàn Sở y tế TP. Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu khác. Để miêu tả lại quá trình nhiều năm tuổi trẻ của mình, Trần Thị Thùy Linh chỉ nói rất ngắn gọn: “Tuổi trẻ mà! Mình có nhiệt huyết thì cứ theo đuổi đam mê, theo đuổi những việc muốn làm!”.

 

 

Nguồn: Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh

http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/News/27619

 

Đăng bởi: Nguyễn Thị Thu Hân

[Trở về]

Các tin khác