Bấm vào hình để xem kích thước thật

Cấp cứu các tai nạn thường gặp

Ngày đăng:  05/02/2014

 
Lượt xem: 17352

Tết là thời gian các bé nhỏ có nhiều thời gian nghỉ ở nhà nhất. Và thời gian này, người lớn cũng rất bận rộn với công việc chuẩn bị Tết. Do đó, khả năng các tai nạn như phỏng, té, nuốt trúng hạt trái cây...xảy ra so với thường ngày là cao hơn khá nhiều. Một chút thời gian dành cho các kiến thức sơ cấp cứu các tai nạn này thiết nghĩ là cần thiết cho mỗi gia đình.

1.Dị vật hầu họng :


Dị vật đường thở là một cấp cứu nội – ngoại khoa, do đó việc tiến hành cấp cứu càng nhanh càng tốt, trong đó việc sơ cứu ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên các cấp cứu ban đầu này chỉ áp dụng trong trường hợp tối khẩn cấp vì nếu không cấp cứu ngay người bệnh sẽ tử vong.


Tình huống xảy ra: Khi trẻ ăn nhanh, nuốt vội hay vừa ăn vừa nói thì khả năng bị di vật đường thở là rất cao. Các hạt trái cây thường bị hóc trúng là hạt đậu phụng, hạt saboche, hạt dưa, viên thuốc, sặc bột cháo sữa.Cũng có trường hợp bé chơi nhét hòn bi vào mũi làm hòn bi tuột sâu vào trong mũi.


Biểu hiện của bệnh:


Trẻ đang ngậm hoặc đang ăn đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, ngạt thở trong chốc lát, vã mồ hôi, có khi đái ỉa cả ra quần. Đó là hội chứng xâm nhập xảy ra khi dị vật qua thanh quản, niêm mạc bị kích thích, chức năng phản xạ bảo vệ đường thở của thanh quản được huy động để tống dị vật ra ngoài. Sau quá trình này, có thể bệnh nhân sẽ tử vong do ngạt thở, nhưng cũng có thể dị vật được đẩy ra ngoài, bệnh nhân trở về bình thường. Do đó, các cách cấp cứu ban đầu này chỉ áp dụng trong trường hợp tối khẩn cấp vì nếu không cấp cứu ngay người bệnh sẽ tử vong. Khi gặp trường hợp này , cha mẹ cần phải thật bình tĩnh, quan sát nhanh bé, nếu tình trạng tím tái ngày bé ngày càng diễn tiến xấu thì các biện pháp sau đây nên được thực hiện:


-Đối với dị vật là chất lỏng (sữa, bột…): nhanh chóng khai thông đường thở, ngay lập tức nắm 2 cổ chân trẻ đưa lên cao, đầu hướng xuống dưới, tay kia vỗ mạnh lưng trẻ để làm trẻ khóc mạnh lên.


-Đối với dị vật không phải chất lỏng: tùy theo độ tuổi của bệnh nhân mà tiến hành làm nghiệm pháp Hemlich ở các tư thế khác nhau.
Với trẻ dưới 1 tuổi, cấp cứu đầu tiên khi bị ngạt là nên thổi ngược lại vì nếu làm nghiệm pháp Hemlich có thể gây ra chấn thương bụng.


Với trẻ lớn hơn 1 tuổi thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở tư thế nằm

Với trẻ lớn hoặc người lớn thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở 3 tư thế đứng, ngồi, hoặc nằm.


Hemlich tư thế nằm: đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, nghiêng sang 1 bên, 2 bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau đè ngay vùng thượng vị, rồi ấn mạnh theo hướng đầu bệnh nhân, làm nhịp nhàng (ấn 4-5 cái 1 lần) để ép phổi với hy vọng không khí trong phổi được tống ra đồng thời đẩy cả dị vật ra ngoài thanh môn.


Hemlich ngồi hoặc đứng: người cứu nạn đứng sau lưng nạn nhân, đưa tay ra trước qua hông đặt trước vùng thượng vị, 2 tay chồng lên nhau, cho lưng nạn nhân dựa vào ngực người cứu nạn, sau đó ép mạnh vùng thượng vị nạn nhân từng đợt (ép 4-5 cái 1 lần).

 

Nếu nghiệm  pháp Hemlich 3 lần không thành công, lập tức hô hấp nhân tạo ngay với hy vọng đẩy dị vật xuống để đường thở phần nào được lưu thông. Đồng thời ngay cùng lúc đó nên gọi khẩn cấp dịch vụ cấp cứu y tế 115.


Những sai lầm nên tránh khi trẻ hít sặc:


- Móc cho ói vì dễ gây sắc thêm cho bé và gây viêm phổi hít.


- Cố gắng móc dị vật bằng tay làm dị vật di chuyển vào sâu hơn, gây khó thở hơn ho bé


- Chuyển ngay tới trung tâm y tế trong tình trạng bé tím tái nặng do ngạt thở mà không làm thủ thuật như trên.


2.Dị vật đường tiêu hóa: 

Trẻ nuốt phải các vật không tiêu hóa được, thường gặp là đồng xu, viên bi, nút chai, nắp chai,  kim găm, kim băng, kẹp tóc.


Xử trí:


Các dị vật nếu không phải là vật sắc nhọn, góc cạnh thì thông thường chỉ cần theo dõi phân của bé trong 24-36 giờ xem dị vật có ra theo phân hay không.


Các dị vật sắc nhọn như kim, pin, tăm... thì bắt buộc phải được thoe dõi tại bệnh viện đề phòng các dị vật này làm thủng ruột, thường biểu hiện qua các triệu chứng đau bụng, tiêu phân máu.

3.Phỏng:

Nguyên nhân phỏng thì thì rất đa dạng nhưng phần lớn (>70%) là do phỏng với chất lỏng nóng như nước sôi, lửa bếp, nước quá nóng trong vòi tắm, phỏng do bàn ủi, do điện giật hay rờ vào ổ cắm điện….trong đó khỏang 1/3 trẻ phải nhập viện do vết phỏng sâu và nhiễm trùng. Phỏng không chỉ là 1 tai nạn ngòai da mà trong những trường hợp nặng, sẽ gây ra các rối lọan lan rộng trong cơ thể khiến cơ thể suy sụp dẫn đến tử vong. Dù có nhiều tiến bộ trong công tác điều trị phỏng nhưng tỷ lệ tử vong ở trẻ phỏng nặng vẫn còn cao (khoảng 7% các trường hợp nhập viện). Ngòai ra, di chứng sau phỏng gây sẹo co rút, khủng hỏang tâm lý cho bé vẫn là một vấn đề rất lớn và nan giải cho cả nhân viên y tế và gia đình.

Do đó, khi bé bị phỏng, các bước cơ bản xử trí ở nhà nên được tiến hành để tránh làm nặng thêm vết phỏng.

Khi trẻ bị phỏng, người nhà cần bình tĩnh, không la hét làm bé hỏang sợ mà cần phải rửa hoặc ngâm vết phỏng của bé vào nước lạnh khỏang 10-15 phút.

Nếu phỏng do hóa chất thì nên rửa dưới vòi nước sạch chảy nhẹ để làm trôi bớt và làm lõang lượng hóa chất trên da. Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, nước mắm, rượu trắng hay các loại thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc vào vết phỏng vì sẽ gây kích ứng vùng da phỏng đang bị tổn thương và làm nặng hơn vết phỏng.

Đối với các vết phỏng nhẹ và nông độ 1, 2 thì sau khi ngâm rửa với nước sạch người nhà  có thể thoa các loại pommade dùng trong phỏng hiện có trên thị trường như dầu mù u, Biafine, Silverin , sau đó băng lại với gạc sạch để giúp vết phỏng mau lành. Nếu bé quá đau đớn thì có thể cho bé uống thuốc giảm đau paracetamol (biệt dược Hapacol 150mg, 250mg hoặc Efferalgan 150mg, 250mg) với liều từ 10-15mg/kg trước khi đưa đi. Còn đối với các vế phỏng độ 2 sâu, độ 3,4 thì bắt buộc phải nhập viện để nhân viên y tế điều trị.

Muốn tránh phỏng cho trẻ, phải làm gì?


-Không để trẻ nhỏ gần bồn tắm một mình, vì nươc nóng có thể làm phỏng rất nhanh, chỉ trong vài giây.


-Cấm trẻ nhỏ không lại gần lò bếp, lò sưởi hay bàn ủi.


-Không cho trẻ chơi những đồ bật lửa hút thuốc hay hộp quẹt.


-Không cho trẻ lại gần chỗ nấu cà-phê bằng điện hay đồ ăn có dây điện lòng thòng vì trẻ thích dựt giây điện làm đổ nước nóng vào người.


-Ổ cắm điện nên đặt trên cao và che chắn kỹ.

4. Chấn thương sọ não:


Chấn thương sọ não ở trẻ em thường do bất cẩn trong sinh hoạt (chiếm 60% trường hợp), thường gặp nhất là té cầu thang, té giường, té võng hay do người lớn bồng ẵm tuột tay.


Các lý do tiếp theo là té xe đạp, tai nạn giao thông, vật nặng va đập trúng đầu. CTSN thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái do hiếu động hơn, đa số ở lứa tuổi 1-6. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị CTSN do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước, các bé lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã.


CTSN nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ mềm dưới da đầu. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các thương tổn trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não.


Nếu chấn thương nhẹ, bé hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu gì lạ thì cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, nhưng cần theo dõi chặt chẽ mỗi hai giờ một lần trong suốt 24 giờ đầu tiên.


Không phải tất cả các trường hợp té đều cần phải chụp Xquang hay CTScan sọ kiểm tra. Tuy nhiên các trường hợp té ở trẻ nhỏ đều cần được theo dõi cẩn các triệu chứng báo động sau để được xử trí sớm:


- Tình trạng lúc tỉnh lúc mê.


- Ngủ mê kêu không thức dậy.


- Nhức đầu dữ dội.


- Lỗ tai hoặc lỗ mũi chảy nước trong.


- Ói mửa nhiều lần.


- Co giật tay chân.


- Sưng lớn nơi da đầu.


Nếu bé có những dấu hiệu trên hoặc sau té mà bé bất tỉnh ngay thì cần đưa nhanh tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, nếu cần có thể phải nhập viện theo dõi.


Để tránh những hậu quả nghiêm trọng do CTSN gây ra, các bậc phụ huynh có con nhỏ chú ý những lời khuyên sau đây:


- Trông nom cẩn thận khi trẻ mới biết bò, biết đi.


- Giường nằm của trẻ cần có tấm chắn, dưới chân giường trải nệm để nếu ngã trẻ đỡ bị chấn động.


- Không để trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở hoặc lần bước xuống thang gác.


- Khi chở các trẻ lớn đi xe hai bánh nên đội mũ bảo hiểm cho trẻ.


- Khi xảy ra chấn thương ở đầu cần cho trẻ đi khám ngay. Nếu bác sĩ cho về nhà, trẻ vẫn phải được theo dõi sát theo hướng dẫn trong vòng một tuần.

5.Gãy xương:

Các dầu hiệu gợi ý gãy xương:


-Đau vùng chỗ gãy rất nhiều.


-Thâm tím, sưng nề chỗ gãy


-Mất cử động bình thường vùng xương bị gãy.


Do đó, khi có các dấu hiệu trên, người nhà nên tiến hành sơ cứu ngay vùng chấn thương cho trẻ bằng các bất động với nẹp hoặc bất cứ vật gì dài, phẳng có thể nâng đỡ vùng xương bị gãy (cành cây, giấy cứng của thùng cạc-tông...)


Nguyên tắc chung khi đặt nẹp bất động: Thông thường có thể dùng các miếng gỗ, cành cây dài thẳng bọc vải; sau đó đặt dọc theo chiều dài của chi bị gãy , cuốn băng lại bên ngoài trước khi đưa lên cáng vận chuyển nạn nhân; lưu ý dùng 3 nẹp đặt quanh trục xương và dài hơn các khớp phía trên và phía dưới xương bị gãy.


Nếu bé quá đau đớn thì có thể cho bé uống thuốc giảm đau paracetamol (biệt dược Hapacol 150mg, 250mg hoặc Efferalgan 150mg, 250mg) với liều từ 10-15mg/kg trước khi đưa đi

Đăng bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại

[Trở về]

Các tin khác

Tắc ruột vì  14/01/2021