Bấm vào hình để xem kích thước thật

Kẽm và vai trò quan trong trong dinh dưỡng trẻ em

Ngày đăng:  05/01/2012

 
Lượt xem: 148031

Tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em Việt Nam : Thiếu kẽm đang là vấn đề phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt là ở những nước nghèo, có chế độ ăn chủ yếu là ngũ cốc, ít thức ăn động vật. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh,Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em Việt Nam khá cao: 25-40%, tùy địa phương và nhóm tuổi. Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ sinh non, không được bú mẹ,dinh dưỡng (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể còi), trẻ hay các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng. Phụ nữ mang thai và người cao tuổi cũng hay thiếu kẽm.

Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định nước ta hiện còn nằm trong nhóm 36 nước có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất trên thế giới,. Kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2009 cho thấy khoảng 18,9% (1,54 triệu) trẻ < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và khoảng 31,9% (2,59 triệu) bị SDD thể thấp còi. Điều tra năm 2010 cho thấy 17,5% trẻ < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 29,3% bị SDD thể thấp còi. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng với sự phát triển chiều cao của trẻ. Trong các vi chất dinh dưỡng, kẽm là một vi khoáng được chứng minh có vai trò quan trọng đặc biệt cho phát triển chiều cao, cơ bắp, thần kinh và miễn dịch của trẻ những năm đầu đời.

Dấu hiệu thiếu kẽm thường thấy là ăn không ngon, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành và bất lực. Thiếu kẽm cũng gây ra sụt cân, thiếu máu, chậm lành vết thương và kém minh mẫn. Một số người xơ gan bị thiếu kẽm do không giữ được kẽm. Dấu hiệu sinh hóa của tình trạng thiếu kẽm bao gồm giảm nồng độ kẽm trong huyết thanh (< 70 mcg/dl hay <10.7 micromol/L), giảm alkaline phosphatase, alcohol dehydrogenase trong võng mạc (không thấy ban đêm), giảm testosterone trong huyết tương vàsuy giảm chức năng hoạt động của tế bào lymphô T, giảm tổng hợp chất tạo keo (collagen) từ đó vết thương không liền được và giảm hoạt động của RNA polymerase trong nhiều mô.

 Vai trò của kẽm đối với cơ thể :Kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần các enzym trong cơ thể, giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em. Kẽm kích thích hoạt động của khoảng 100 enzym, là những chất xúc tác phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành, giúp bảo vệ vị giác và khứu giác và cần thiết cho sự tổng hợp DNA. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác.

Nếu thiếu kẽm cơ thể sẽ chậm và ngừng phát triển, sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra nên ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng trưởng .Trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn. Bổ sung kẽm cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi (kém phát triển về chiều cao), có tác dụng phục hồi rõ rệt cả về tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng, làm tăng nồng độ hormon IGF-1, một yếu tố tăng trưởng quan trọng của cơ thể. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy, có hiện tượng gián đoạn quá trình nhân đôi của các tế bào phôi trong thời kỳ bào thai, dẫn đến sự khiếm khuyết về sự tăng trưởng của bào thai và tỷ lệ quái thai cao ở các động vật chịu một chế độ ăn thiếu kẽm trong thời kỳ mang thai.Theo nghiên cứu của tác giả Castillo – Duran, việc bổ sung kẽm cho trẻ sinh ra nhẹ cân so với tuổi thai cho thấy có sự tăng trưởng tốt về chiều cao và cả cân nặng trong 6 tháng đầu đời. Như vậy để trẻ có chiều cao tốt thì trong chế độ ăn của bà mẹ từ lúc có thai cho đến chế độ ăn của con sau khi sinh đều phải có đầy đủ kẽm.

Không chỉ có tác dụng với thể chất, tình trạng thiếu kẽm còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần, làm dễ nổi cáu. Nguyên nhân do kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, mà canxi là một trong những chất quan trọng giúp ổn định thần kinh.

Nhu cầu của kẽm và hấp thu kẽm trong cơ thể : Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5m/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ, phụ nữ mang thai cần  15mg/ngày, cho con bú 6 tháng đầu cần 19mg và cho con bú lúc 6-12 tháng cần 16mg kẽm mỗi ngày.

Lượng kẽm được hấp thu khoảng 5mg/ngày. Kẽm được hấp thu chủ yếu tại tá và hỗng tràng, một ít tại hồi tràng. Trong điều kiện chuẩn, tỉ lệ hấp thu vào khoảng 33%. Giảm bài tiết dịch vị ở dạ dày, nhiều sắt vô cơ, phytate có thể làm giảm hấp thu kẽm. Phytate có nhiều trong ngũ cốc thô, đậu nành và các thực phẩm giàu chất xơ. Nên cho trẻ ăn đủ chất đạm từ động vật vì chúng sẽ hạn chế nhược điểm này của thức ăn giàu phytate thay vì hạn chế thức ăn thực vật. Canxi làm tăng bài tiết kẽm và do đó làm giảm tỉ lệ hấp thu kẽm, không nên uống cùng lúc với kẽm.  Để tăng hấp thu kẽm, nên bổ sung cùng với thức ăn giàu vitamin C.

Cung cấp kẽm cho cơ thể: Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..). Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2-3 mg/lít), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9mg/l. Lượng kẽm mà người mẹ mất qua sữa trong 3 tháng đầu ước tính khoảng 1,4 mg/ngày. Do đó, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.

 

Đăng bởi: BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu - TK.Dinh dưỡng

[Trở về]

Các tin khác